Người đứng đầu phải đi đầu giải quyết việc khó

Còn nhớ, vào khoảng tháng 5-2016, bức xúc trước tình trạng mùi hôi, nước thải từ Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, người dân ba xã: Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (Sóc Sơn) đã chặn hàng trăm xe chở rác vào khu xử lý; yêu cầu chính quyền hỗ trợ nước sinh hoạt, tăng mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường, chính sách về khám, chữa bệnh, cải tạo, nâng cấp bãi rác... Ba ngày sau khi xảy ra sự việc, chiều 28-5-2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung về tận nơi đối thoại, gặp gỡ người dân nơi đây. Tại buổi đối thoại, 15 kiến nghị của bà con với 33 phần việc được người đứng đầu chính quyền thành phố chỉ đạo, giao các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết. Và đúng một tuần sau, người dân địa phương được cơ quan chức năng tiến hành khám, chữa bệnh; được hưởng trợ cấp nước sạch, tăng mức hỗ trợ... Sau đó hơn một tháng, ngày 5-7-2016, tại Kỳ họp thứ sáu, HÐND TP Hà Nội khóa XV thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đối với người dân sinh sống xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn. Ðây là minh chứng khẳng định: Những vấn đề nhân dân bức xúc, kiến nghị luôn được thành phố quan tâm, giải quyết thấu đáo, đến cùng.

Hoặc mới đây, trước đề xuất của người dân, ngày 8-10-2018, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao đổi công khai trước đông đảo cử tri Hà Nội và báo chí, giải đáp cụ thể một số nội dung người dân nêu thuộc thẩm quyền. Về ý kiến băn khoăn trước việc 57 biệt thự xây dựng trái phép tại xã Yên Bài (Ba Vì), lãnh đạo thành phố cho biết: Đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội giao cho Thanh tra TP Hà Nội thanh tra toàn bộ vụ việc. Tháng 8-2016, Thanh tra thành phố đã có kết về những nội dung sai phạm tại đây. Trên cơ sở đó, thành phố tiến hành kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm cá nhân; tiến hành kỷ luật, cách chức, cảnh cáo một số cá nhân và xử lý 10 cán bộ thanh tra xây dựng, quản lý đất đai tại hai xã liên quan. Thành phố cũng đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì làm rõ toàn bộ quá trình mua bán, chuyển đổi giữa các cá nhân trong quá trình xây dựng… Lãnh đạo thành phố không né tránh trước tình trạng quá tải đối với các trường mầm non, mẫu giáo và THCS trên địa bàn; chia sẻ chủ trương lãnh đạo xử lý; trao đổi thẳng thắn về những kiến nghị liên quan đến chương trình sữa học đường...

Với cách làm đó, nhiều năm qua, gần như bất cứ nơi nào, ở đâu trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra bức xúc mà chính quyền sở tại chưa giải quyết hiệu quả, để kéo dài, thì lãnh đạo thành phố lập tức “xắn tay”, đến với dân để trao đổi, trò chuyện, tìm hiểu ngọn ngành, giải quyết thấu đáo, vừa bảo đảm đúng pháp luật, vừa hợp lòng dân. Chính những cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân về các vấn đề "nóng" tạo ra động lực tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thời gian ngắn, góp phần tạo tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân.

Để việc đối thoại với dân đi vào chiều sâu, thiết thực, ngày 25-5-2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố. Trong đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm. Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm thông báo kết luận, kết quả xem xét, giải quyết các vụ việc… Điều này giúp công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung cho có như trước đây. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định: “Muốn hạn chế, không phát sinh “điểm nóng” phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo các vấn đề còn thắc mắc”.

Theo lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, thời gian trước, lãnh đạo một số địa phương, nhất là cấp cơ sở thường ngại đối thoại trực tiếp với dân. Tuy nhiên, khi có Quyết định số 2200, phần việc này trở thành nhiệm vụ bắt buộc đối với người đứng đầu. Thực hiện quyết định trên, lãnh đạo các cấp chủ động hơn trong gặp gỡ, đối thoại với đại diện các tầng lớp nhân dân. Với những vấn đề người dân kiến nghị tại các cuộc đối thoại, lãnh đạo các cấp yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian, lộ trình giải quyết. Đặc biệt, người đứng đầu phải cam kết với dân thời gian, nội dung giải quyết từng vấn đề, từng vụ việc.

Ông Ngô Văn Tài (56 tuổi, ở Đội 1, Vĩnh Kỳ, Tân Hội, Đan Phượng) bộc bạch: "Tôi thấy gần đây cán bộ lãnh đạo các cấp ở thành phố có trách nhiệm nhiều hơn với lời hứa trước dân. Cán bộ hứa là làm thì mới mang đến niềm tin cho dân".

Chính từ sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố, đến nay, 100% các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện đối thoại với dân. Theo ước tính, chỉ hơn một năm qua, Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức hơn 40 hội nghị định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hơn 11.000 lượt người dân tham gia góp ý; tổ chức 30 hội nghị đột xuất với gần 3.600 lượt người dân tham gia góp ý kiến. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức gần 500 hội nghị đối thoại định kỳ, gần 200 hội nghị đối thoại đột xuất. Kết quả, có 95% các ý kiến của người dân được giải đáp, trả lời trực tiếp tại hội nghị, qua đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo sự đồng thuận rất cao trong nhân dân.

Ảnh minh họa/TTXVN.

Biết lắng nghe để hoàn thiện mình và phục vụ nhân dân

Có một cách làm khá mới ở Hà Nội, đó là không chỉ cán bộ chủ trì buộc phải đối thoại với dân khi dân cần, dân yêu cầu, mà xu hướng bao trùm hiện nay là cán bộ chủ động tìm đến với dân, chia sẻ với dân thông qua đối thoại. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, một số địa phương còn lựa chọn những vấn đề đang được quan tâm để đối thoại, như: Quận Thanh Xuân, huyện Thường Tín... tổ chức đối thoại với người lao động và doanh nghiệp; Công an TP Hà Nội tổ chức các hội nghị lắng nghe dân đóng góp ý kiến... Tại đây, nhiều vấn đề liên quan đến hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo được người dân thẳng thắn nêu rõ, được lãnh đạo các cấp lắng nghe, rút kinh nghiệm; nhiều đề xuất của dân được tiếp thu, giải quyết dứt điểm ngay tại buổi đối thoại. Ông Trịnh Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) nói: "Cán bộ tìm đến dân thì tất yếu sẽ được dân trân quý. Cũng vì thế mà dân sẽ nói thẳng, nói thật với tinh thần xây dựng, với thái độ vui vẻ, cầu thị, chứ không như những lúc trong cơn bức xúc, tâm lý cực đoan, thì việc trao đổi, chia sẻ cũng sẽ thiếu thiện chí hơn, khó đồng cảm hơn".

Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cán bộ các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân cũng chỉ là một cách, một kênh lắng nghe dân. Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Thời gian qua, Hà Nội đặc biệt chú trọng lãnh đạo đa dạng hóa các phương pháp, hình thức phát huy trí tuệ quần chúng trong tham gia xây dựng thành phố. Đặc biệt, việc xin ý kiến đội ngũ cán bộ cấp cao, lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước (sống trên địa bàn) tham gia vào các văn kiện, đề án quan trọng, hoạch định chủ trương, đường lối lãnh đạo xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Cùng với đó, lãnh đạo TP Hà Nội cũng luôn trân trọng, lắng nghe các ý kiến góp ý, phê bình thẳng thắn, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, tình cảm của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Với tâm nguyện lắng nghe dân, Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo tất cả cơ quan thông tấn, báo chí của Thủ đô tăng cường tuyên truyền, thông tin về tình hình cơ sở, đời sống quần chúng nhân dân; mở các chuyên đề, chuyên mục phản ánh lòng dân, thư bạn đọc, ý kiến cơ sở; tuyên truyền các chương trình đối thoại giữa người đứng đầu các sở, ban, ngành với nhân dân. Thông tin trên báo chí là diễn đàn sâu rộng, tạo ra sự đối thoại, của cả hệ thống cán bộ với nhân dân; nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Ban Tuyên giáo Thành ủy còn chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức hòm thư góp ý, lập đường dây nóng… để người dân phản ánh tình hình, trình bày tâm tư, nguyện vọng. Ngoài ra, 100% cơ quan, đơn vị trong toàn Đảng bộ thành phố đều có quy chế đi cơ sở, quy định thời gian, nội dung tiếp xúc với dân. Các đồng chí thành ủy viên, cấp ủy viên ngoài lĩnh vực được phân công theo chuyên môn còn được cấp ủy giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn. Nhiều sở, ban, ngành thực hiện tốt việc cử cán bộ luân phiên nắm địa bàn, nằm vùng để lắng nghe nguyện vọng của dân.

"Cấp nào cũng phải lắng nghe dân nói. Nghe xong phải phát huy trách nhiệm, trực tiếp giải quyết hoặc báo cáo để trên giải quyết. Đó là cách làm cho cán bộ không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm, mà còn năng động, sáng tạo trong công tác", ông Trần Vinh (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) nêu chính kiến.   

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND