Đặc biệt, ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về việc “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết 15). Sau thời gian thực hiện nghị quyết, Đảng bộ TP Hà Nội đã lãnh đạo đạt nhiều kết quả tích cực và mở ra triển vọng về một hướng đi hợp lòng dân.

Bài 1: Cách làm sáng tạo để Đảng mạnh từ gốc

Để xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), nhất là chi bộ vững mạnh, BTV Thành ủy Hà Nội xác định trong Nghị quyết 15 với tinh thần quyết liệt là phải đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện tiêu cực, khuyết điểm trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị ngay từ cơ sở, ở thời điểm vừa manh nha; đồng thời xử lý, giải quyết dứt điểm mọi bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đó chính là cách làm thiết thực để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh (TSVM) hơn.

Phát huy vai trò nêu gương đảng viên, tổ chức Đảng

Với chủ trương, “Chi bộ mạnh, Đảng sẽ vững”, nhiều năm nay, Đảng ủy phường Thạch Bàn (Long Biên) triển khai xây dựng mô hình “Chi bộ 4 tốt, đảng viên nêu gương” đến 100% chi bộ, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị-xã hội. Lý giải về mô hình này, đồng chí Nguyễn Thu Ngần, Bí thư Đảng ủy phường Thạch Bàn, giải thích: “Tùy loại hình và thực tiễn cơ sở, mỗi chi bộ lựa chọn tiêu chí, cách làm cụ thể để xây dựng tổ chức mình TSVM, nhưng tựu chung là phải xác định cho bằng được những vấn đề thời sự, dự báo các biểu hiện tâm lý xã hội có nguy cơ nảy sinh sự vụ, sự việc, nắm bắt được tâm lý, mong muốn nhân dân để hướng sự lãnh đạo của tổ chức đảng về hệ thống chính trị vào việc phục vụ nhân dân".

Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ảnh: TTXVN.


Nhờ tư duy đó mà mô hình “Chi bộ 4 tốt, đảng viên nêu gương” khi được triển khai sớm đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ nét đối với các chi bộ tổ dân phố. Minh chứng là, công tác giải phóng mặt bằng vốn dĩ rất khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của các chi bộ tổ dân phố, nhất là phát huy vai trò nêu gương của đảng viên với tinh thần "đặt lợi ích của dân lên trên hết", nhiều năm qua, phường Thạch Bàn đã triển khai hàng chục dự án nhưng không phải cưỡng chế bất kỳ trường hợp nào. Đồng chí Đặng Cao Lập, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 3, phường Thạch Bàn, cho biết: “Khi thực hiện giải phóng mặt bằng tuyến đường Thạch Bàn, 10 đảng viên trong chi bộ, trong đó một số đảng viên có đất tại dự án đã gương mẫu thực hiện chủ trương của trên, nhận tiền đền bù từ đợt đầu mà không tính thiệt hơn để làm gương cho dân... Tinh thần này lan tỏa rất nhanh trong cộng đồng, nên chỉ trong vòng hai tháng, 92 hộ dân trong tổ đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư…” 

Mỗi buổi sinh hoạt, Chi bộ 8, Đảng bộ phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) thường mở đầu với những câu chuyện thời sự mới, "nóng"; tiếp đó bàn thảo các vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ dân phố và kết thúc là ít phút phổ biến các bài thuốc Nam do chi ủy sưu tầm. Từ việc đổi mới sinh hoạt, Chi bộ 8 đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng Tổ dân phố Đình Thôn vững mạnh. Thành tích mới nhất của chi bộ là vận động nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng bê tông hóa 4 ngõ, lắp 270 bóng đèn chiếu sáng... Đó cũng là cách mà chi bộ lắng nghe, tiếp nhận kịp thời mọi thông tin về những tâm tư, bức xúc của dân để giải quyết, chia sẻ thấu đáo ngay từ cơ sở.

BTV Huyện ủy Phúc Thọ đã xây dựng đề án, chuyên đề riêng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ địa bàn dân cư. Huyện ủy đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, như: 100% chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý/lần; phấn đấu ít nhất 95% chi bộ có nội dung sinh hoạt trọng tâm, trọng điểm, thảo luận và ban hành nghị quyết khả thi, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị; đặc biệt, bám sát tâm tư, nguyện vọng của dân và những vấn đề có biểu hiện nảy sinh điểm nóng, bức xúc để ngăn chặn, giải quyết triệt để ngay từ đầu...

Không chỉ cấp ủy, chi bộ vai trò nêu gương mà đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng cũng góp phần quan trọng trong vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trao đổi với bà Trần Thị Lập, cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên 70 năm tuổi Đảng thuộc Chi bộ khu dân cư số 10, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), mọi người đều nể phục về tinh thần nhiệt huyết của một đảng viên lão thành. Nhớ lại thời điểm tới vận động một trong những gia đình kiên quyết phản đối không bàn giao mặt bằng để mở đường 2,5m vào năm 2012, bà Lập cho biết, đây là gia đình chính sách nhưng bị một số đối tượng lợi dụng, kích động khiếu kiện vượt cấp. Thông qua gặp gỡ, trò chuyện, khơi gợi niềm tự hào của gia đình, bà Lập đã vận động thành công gia đình bàn giao mặt bằng xây dựng tuyến đường.

Chia sẻ về những cách làm trên, theo đồng chí Phan Chu Đức, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội: Nâng cao chất lượng và đổi mới sinh hoạt chi bộ là giải pháp thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCĐ và đảng viên. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU-một trong 8 chương trình công tác toàn khóa và được xác định là chương trình “cốt lõi”, “xương sống”, trong đó yêu cầu: Các cấp ủy, TCCSĐ thực hiện nghiêm túc, có nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình chi bộ. Trong đó, nội dung sinh hoạt ở 100% chi bộ (cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, thôn, xóm, tổ dân phố, doanh nghiệp, trường học...) đều phải xác định cho được nội dung trọng tâm liên quan đến các vấn đề dân sinh. "Khi đưa vào nghị quyết của chi bộ nội dung gì thì phải nhất quán tư tưởng hướng vào lãnh đạo công việc phục vụ nhân dân, phục vụ lợi ích chung", đồng chí Phan Chu Đức, khẳng định.

Tinh thần đó được Nghị quyết 15 của BTV Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “Chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ thôn, tổ dân phố ở những địa bàn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, khó khăn, những nơi có vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...”. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Mỗi tổ chức đảng, nhất là đảng bộ cấp quận, huyện phải phân tích, thấy rõ những hạn chế, tiêu cực, khuyết điểm; cùng với những điểm nóng, bức xúc trong dân để kịp thời giải quyết triệt để, hiệu quả. Nhờ cách làm đó, chỉ sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 15, TP Hà Nội đã giải quyết dứt điểm gần 82/200 vụ việc phức tạp. Ngoài ra, 30 quận, huyện, thị xã đã chủ động giải quyết 180/316 vụ việc do quận, huyện, thị xã tự rà soát.

Đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 15, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định: “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của các cấp ủy về vai trò, vị trí của TCCSĐ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là những nơi đang triển khai các nhiệm vụ chính trị nặng nề và nơi có những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Các cấp ủy đã thật sự coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, triển khai nhiều biện pháp nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các địa bàn có vấn đề phức tạp. Đó cách tổ chức đảng thực hiện mệnh lệnh hành động vì dân!”.

Sạch “điểm nóng” -  tổ chức đảng sẽ mạnh hơn

Dư luận cán bộ, đảng viên cũng như người dân đồng tình với việc BTV Thành ủy Hà Nội kịp thời ban hành Nghị quyết 15, đồng thời ghi nhận, cho rằng, sự tập trung của lãnh đạo thành phố đã phần nào giảm bớt bức xúc, mâu thuẫn trong từng địa bàn, không gây căng thẳng, phức tạp thêm tình hình. Một số địa phương thực hiện tăng cường cán bộ xuống địa bàn còn tồn tại những vụ việc hạn chế, được đánh giá là biện pháp phù hợp để chấn chỉnh đội ngũ, nâng cao năng lực, trách nhiệm. Đặc biệt, các cấp ủy chủ động nắm tình hình ở những nơi tồn tại những vụ việc tiềm ẩn, phức tạp để có các giải pháp phù hợp...

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, việc rà soát, đánh giá thực trạng, tổ chức và hoạt động của TCCSĐ, nhất là ở những địa bàn có vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được thực hiện ráo riết. Thời gian qua, đã có 21/30 quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả việc rà soát, đánh giá phát hiện những nội dung cần quan tâm củng cố TCCSĐ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy; đạt những kết quả bước đầu về khắc phục những hạn chế của một số TCCSĐ. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ, khẳng định: “Kết quả rõ nhất từ khi Nghị quyết 15 của BTV Thành ủy được ban hành là cấp ủy các cấp đã rà soát, đánh giá rõ thực trạng tổ chức và hoạt động của TCCSĐ, nhất là ở những địa bàn còn "điểm nóng" hoặc tiềm ẩn nguy cơ. Từ đó, nhiều giải pháp bám sát thực tiễn được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt, với những TCCSĐ có cán bộ yếu kém, việc luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện tăng cường về cấp xã đảm nhiệm chức danh lãnh đạo đã được thực hiện”. 6 tháng năm 2018, đã có 48/68 TCCSĐ cần củng cố đã củng cố về các nội dung, như: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu; đoàn kết nội bộ; mối quan hệ công tác...

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 15, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Việc củng cố tổ chức đảng, nhất là TCCSĐ yếu kém và xử lý "điểm nóng" là việc khó khăn, phức tạp, có thể “sai một ly, đi một dặm”. Vì vậy, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của TCĐ phải diễn ra liên tục, không có điểm dừng. Cấp ủy đảng các cấp phải tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc hiệu quả, minh bạch; xử lý hài hòa mối quan hệ công tác giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. TCĐ luôn phải là nơi hội tụ trí tuệ và bản lĩnh, kinh nghiệm sáng suốt để nhận định đúng tình hình và có đối sách phù hợp. Kiên quyết không để "điểm nóng" xảy ra rồi mới biết”.

Trên thực tế, việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, quần chúng tốt, đã góp phần giải quyết được nhiều việc bức xúc trong dân, như: Ô nhiễm môi trường, đất đai, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ được hình ảnh đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng. 

Nhóm Phóng viên Báo QĐND                                                                                                           

(còn nữa)