Nguy cơ bị “xóa sổ” vào năm 3766

Theo The South China Morning Post, đầu năm 2019, dân số của Nhật Bản là 124.776.364 người, giảm 433.239 người so với năm 2018. Đây là năm thứ 10 liên tiếp Nhật Bản có sự suy giảm dân số, đồng thời cũng là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1968. Năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Nhật Bản có số trẻ em chào đời không đạt mức một triệu (chỉ đạt 921.000 trẻ) nhưng lại là năm thứ 6 liên tiếp có số người qua đời tăng (1.363.564 người). Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tohoku dự báo, nếu dân số tiếp tục giảm với tốc độ như hiện tại, người Nhật Bản sẽ bị “xóa sổ” vào ngày 16-8-3766.

Trong khi đó, The South China Morning Post dẫn thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, hiện có 2.667.000 người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản, tăng khoảng 170.000 người so với cách đây một năm. Sau 5 năm tăng liên tiếp, số lượng người nước ngoài hiện chiếm 2,09% dân số Nhật Bản, chủ yếu đến từ các nước châu Á, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. “Chúng tôi bắt đầu chứng kiến số lượng người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản tăng dần cách đây khoảng 30 năm nhưng tăng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Con số này từng giảm vào năm 2010 do khủng hoảng kinh tế và tiếp tục giảm vào năm 2011 do thảm họa động đất-sóng thần ở Đông Bắc Nhật Bản, nhưng kể từ đó đã tăng trở lại”-Masataka Nakagawa, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản trả lời phỏng vấn The South China Morning Post.

Người cao tuổi ở Nhật Bản. Ảnh: The South China Morning Post.

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng, Nhật Bản bắt đầu cho phép thêm nhiều người nước ngoài đến sống và làm việc mặc dù họ buộc phải về nước khi hết hạn hợp đồng thay vì được định cư vĩnh viễn. “Nhiều người nước ngoài là sinh viên ở lại Nhật Bản một vài năm và nhiều người chỉ làm việc bán thời gian khi ở đây. Tuy nhiên, chính phủ đã sửa đổi luật vào đầu năm nay để cho phép người lao động nước ngoài có trình độ có thể xin việc ở một số ngành cụ thể”-nghiên cứu viên Masataka Nakagawa cho biết.

Theo đó, nhiều lao động nước ngoài chưa lành nghề sẽ được tuyển dụng vào các ngành, như: Xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, sửa chữa ô tô... Trong khi đó, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn đối với những lao động nước ngoài có trình độ. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ cấp khoảng 345.000 visa lao động trong 5 năm đầu sau khi luật sửa đổi có hiệu lực. Mặc dù vậy, theo The South China Morning Post, con số này vẫn sẽ không đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong một số lĩnh vực.

 “Rất khó để về nhà”

Ông John Harris, người Canada, đến Nhật Bản từ năm 1985 và hiện sinh sống tại thị trấn ven biển Onjuku của tỉnh Chiba nằm ở phía đông Tokyo. Người đàn ông 62 tuổi này cho biết có rất nhiều lý do để ở lại Nhật Bản, trong đó phải kể tới việc “nơi đây rất an toàn, mọi thứ luôn hiệu quả và đúng giờ, con người luôn lịch thiệp và chu đáo”. “Cũng có hình ảnh về một Nhật Bản đâu đâu cũng thấy toàn là bê tông. Tuy nhiên, ở ngoại ô các thành phố lớn vẫn có những cảnh thiên nhiên tươi đẹp và giá nhà cửa ở đó lại rất rẻ so với Canada. Công việc của tôi tại Nhật Bản cũng rất tốt. Có hơn 200 tập đoàn toàn cầu tại thủ đô Tokyo nhưng người Nhật lại quên đào tạo người của mình cách điều hành một tập đoàn toàn cầu. Vì vậy, họ cần những người như tôi làm việc cho họ. Điều đó đã mang lại cho tôi và gia đình một cuộc sống rất thoải mái”, ông John Harris chia sẻ.  

Thế nhưng, ông John Harris vẫn phải thừa nhận rằng, cho dù có sống ở đây 100 năm thì ông vẫn không bao giờ được xem là người Nhật Bản. “Nếu bạn đến Canada, Australia hay nhiều nước khác, bạn ở đó vài năm là có thể nhập tịch. Ở đây lại không như thế. Điều này có thể khiến một số việc trở nên khó khăn hơn chút ít nhưng cũng không quá quan trọng… Chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar đến đây và họ làm việc ở các nhà máy chế biến thủy sản lân cận. 10 năm về trước thì không bao giờ có cảnh này”-ông John Harris nhấn mạnh.

Nicholas van Santen là người Australia mới đến Nhật Bản do có hợp đồng làm truyền thông cho giải vô địch bóng bầu dục thế giới sắp tới. Với Nicholas van Santen, cuộc sống tại Nhật Bản “rất an toàn, mọi người luôn tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, ẩm thực lại tuyệt vời”. Nicholas van Santen dự định ở lại đất nước mặt trời mọc sau khi kết thúc hợp đồng.

Min Zheng Wen, 42 tuổi, đến Nhật Bản cách đây hơn 15 năm. Nhớ lại khi ấy, người đàn ông Trung Quốc này không hề có ý định ở lại đây quá vài năm. Tuy nhiên, cuộc sống, cơ hội việc làm và bạn bè khiến anh “rất khó để về nhà”. “Ban đầu, tôi sang đây với tư cách là sinh viên vì khi đó tôi đang học chuyên ngành ngoại ngữ. Thế nhưng, tôi cũng muốn sống ở một nước phát triển và nghiên cứu về những công nghệ mới. Nhật Bản an toàn, sạch sẽ và những người tôi biết đều thông minh và thật thà nên cuộc sống ở đây rất thoải mái”-Min Zheng Wen chia sẻ với The South China Morning Post.

HOÀNG VŨ