QÐND - Facebook, Twitter, LinkedIn, Instagram… hay nói chung là mạng xã hội đã giúp cải thiện đáng kể cách con người kết nối, giao tiếp với nhau và thậm chí nó đã được coi là một “văn hóa”. Thế nhưng mạng xã hội cũng chính là kẽ hở để kẻ thù và những đối tượng xấu khai thác. Điều này đặc biệt đúng trong môi trường quân sự.

Những bài học để đời trên bàn phím

Cuối tháng 2 năm nay, rất nhiều tờ báo của Mỹ và thế giới đồng loạt đưa tin về việc Ta-ri-ca Sép-phây (Tariqka Sheffey), một nữ binh sĩ Mỹ đóng quân tại bang Cô-lô-ra-đô (Colorado) bị đồng nghiệp, cư dân mạng “ném đá” bởi một hành động tưởng chừng như vô hại liên quan đến mạng xã hội. Theo tờ Army Times, trong một phút cao hứng, Ta-ri-ca Sép-phây đã đăng trên Instagram bức ảnh cô đang mặc quân phục, ngồi thư giãn trong xe hơi kèm với lời bình luận: “Đây chính là tôi, đang ngồi trong ô tô để đỡ phải chào cờ”. Ngay sau đó, Ta-ri-ca Sép-phây trở thành tâm điểm của một “cơn bão chỉ trích” do chính cô vô tình gây nên. Nhiều người tỏ ra bất bình, thậm chí là tức giận trước việc làm của Ta-ri-ca Sép-phây bởi theo họ, Ta-ri-ca Sép-phây trốn buổi chào cờ vào lúc 5 giờ chiều đã đành, nhưng việc nữ binh sĩ này cố tình khoe “chiến tích” trên mạng sẽ làm xấu hình ảnh của quân đội Mỹ. Bức ảnh và lời bình luận trên Instagram sau đó đã được gỡ bỏ, nhưng Ta-ri-ca Sép-phây thì chưa thể yên thân vì phải đối mặt với tội coi thường kỷ luật đơn vị.

Các binh sĩ Mỹ sử dụng máy tính để truy cập internet. Ảnh: Wired.com

Với A-lanh Âu-nêu (Alan O’Neill), một nam sĩ quan ngoại tứ tuần của Mỹ, Facebook thậm chí đã từng là một cơn ác mộng. Lấy vợ năm 2001, nhưng đến năm 2009, A-lanh Âu-nêu lấy người khác trong khi chưa li dị vợ cũ. Thật tình cờ, vợ cả của A-lanh Âu-nêu trong một lần lướt web đã tìm thấy facebook của người vợ hai cùng với những tấm ảnh cưới của người này và chồng mình. Cô này lập tức báo cảnh sát và tất nhiên sau đó, sĩ quan A-lanh Âu-nêu phải ra hầu tòa với cáo buộc vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Tuy nhiên, nếu xét về “cái giá phải trả” từ sử dụng mạng xã hội thì câu chuyện của Ta-ri-ca Sép-phây và A-lanh Âu-nêu vẫn chưa ăn nhằm gì. Trước đó, đã có những trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng do dùng mạng xã hội không đúng nơi, đúng lúc. Theo BBC, năm 2007, 4 máy bay trực thăng Apache của quân đội Mỹ đã bị lực lượng nổi dậy ở I-rắc “diệt gọn” sau khi một binh sĩ đăng tải bức hình chụp những chiếc máy bay này lên Internet kèm theo thông tin về tọa độ.

Hay chỉ mới đây thôi, vào ngày 6-7, A-lếch-xan-đơ Xốt-kin (Alexander Sotkin), một binh sĩ thông tin 24 tuổi của quân đội Nga vô tình đăng một bức ảnh “tự sướng” của mình lên mạng xã hội Instagram kèm theo lời bình tưởng chừng vô hại: “Đã đến giờ đi ngủ”. Tuy nhiên, dữ liệu tọa độ trên Instagram cho thấy A-lếch-xan-đơ Xốt-kin đã chụp và đăng tấm ảnh nói trên khi đang ở bên trong lãnh thổ U-crai-na. Điều này hoàn toàn trái ngược với phát biểu trước đó của Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, rằng không có bất cứ đơn vị hay lực lượng đặc nhiệm nào của Mát-xcơ-va ở U-crai-na. Tất nhiên, đây là câu chuyện gây nhiều tranh cãi, song rõ ràng hành động thiếu suy nghĩ của A-lếch-xan-đơ Xốt-kin đã vô tình “làm khó” ông V. Pu-tin và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quân đội Nga.

“Điều gì không thể nói với chỉ huy, đừng đưa lên mạng!”

Những câu chuyện trên đây cho thấy bên cạnh chức năng kết nối tuyệt vời, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Trong môi trường quân sự, nếu không được sử dụng đúng cách, Facebook, Twitter, Linkedin hay các mạng xã hội khác hoàn toàn có thể dẫn đến việc lộ lọt thông tin bí mật và thậm chí là những cơn ác mộng về quan hệ xã hội.

Đầu tháng 3 năm nay, quân đội Mỹ đã phát đi cảnh báo rằng các binh sĩ và gia đình, người thân của họ có thể gặp nguy hiểm nếu đăng tải những bức ảnh chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc điện thoại thông minh lên Internet. Nên nhớ rằng, hầu hết các mạng xã hội hiện nay đều có chức năng thông báo về địa lý, chẳng hạn như tọa độ đi kèm với những bức ảnh được đăng tải. Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng trong điện thoại thông minh cũng có thể lưu lại vị trí của người dùng, đặc biệt khi họ đăng nhập vào các mạng xã hội. Đôi khi chỉ cần một cái nhấp chuột máy tính, bọn khủng bố, tin tặc, trộm cướp và tội phạm đã biết rõ vị trí cũng như thói quen đi lại, sinh hoạt của các binh sĩ, gia đình và đơn vị của họ.

Hơn nữa, nhiều quân nhân thường nghĩ rằng việc họ đăng tải lên mạng xã hội những thông tin quá đỗi bình thường như đang ăn uống ở đâu, chơi trò gì, với ai… là điều vô hại. Song khi tất cả những thông tin đơn lẻ này được ghép nối lại với nhau, hoàn toàn có thể tạo ra một bức tranh toàn cảnh về người sử dụng mạng xã hội và theo những người làm công tác truyền thông của quân đội Mỹ thì “kẻ thù rất giỏi trong việc ghép các thông tin mà chúng ta (quân nhân Mỹ) để lại trên mạng”.

Cũng vì vậy mà hiện nay, quân đội các nước ngày càng coi trọng việc sử dụng an toàn mạng xã hội. Như đã nói ở trên, thiếu hiểu biết trong sử dụng mạng xã hội có thể làm xấu hình ảnh quân đội, lộ lọt bí mật quân sự và thậm chí đưa bản thân, gia đình, đồng nghiệp hay đơn vị vào tình huống nguy hiểm. “Điều quan trọng là tất cả các binh sĩ phải hiểu rằng một khi họ đăng nhập vào mạng xã hội nào đó, họ vẫn đang đại diện cho quân đội. Các quân nhân sử dụng mạng xã hội cần biết rằng kẻ thù vẫn đang theo dõi chúng ta”, trang entrepreneur.com dẫn lời ông Vin-xtơn L. Pót-tơ (Vinston L. Porter), Giám đốc Cơ quan Mạng và Truyền thông xã hội của Quân đội Mỹ cho biết. Cũng theo ông Vin-xtơn L. Pót-tơ, tốt nhất là đừng bao giờ đưa lên mạng những điều mà mình không thể nói trực tiếp với chỉ huy.

Qua đó có thể thấy, chúng ta đang sống trong một môi trường khuyến khích việc chia sẻ thông tin và trên thực tế, nhờ Facebook, Twitter hay Instagram... chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội để làm điều đó. Trong thế giới hiện đại, việc các quân nhân sử dụng mạng xã hội chưa hẳn là điều sai trái. Song cũng nên nhớ rằng, không phải tất cả mọi điều đều có thể chia sẻ trên internet!

VŨ HÙNG

Kỳ 2: Làm chủ “vũ khí thời hiện đại”