Theo Reuters, sau khi lần đầu tiên tiến vào Quảng trường Thánh Peter trên chiếc xe được thiết kế đặc biệt trước sự xuất hiện của đám đông lên tới 200.000 người tại quảng trường và các đường phố xung quanh, Hồng y Robert Francis Prevost đã chính thức được tấn phong làm Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo tại một Thánh lễ ngoài trời.
Lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV gồm nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ trao các biểu tượng của chức vụ cho ông. Thánh lễ ngày 18-5 có các lời cầu nguyện bằng nhiều ngôn ngữ, nhằm tôn vinh sự lan tỏa toàn cầu của Giáo hội Công giáo.
 |
Giáo hoàng Leo XIV vẫy tay chào đám đông khi tiến vào Quảng trường Thánh Peter. Ảnh: CNN
|
Trong số những người tham dự buổi lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV có Phó tổng thống Mỹ JD Vance, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và lãnh đạo nhiều quốc gia như: Peru, Israel, Nigeria, Italy, Canada, Australia, Đức và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen... Đây cũng là sự kiện tập trung đông người nhất tại Vatican kể từ sau lễ tang của Giáo hoàng Francis vào ngày 26-4.
CNN cho biết, an ninh nghiêm ngặt đã được triển khai cho lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV, trong đó chính quyền Rome khẳng định đã phong tỏa một khu vực có sức chứa lên tới 250.000 người.
Trong bài giảng tại Thánh lễ, Giáo hoàng Leo XIV khẳng định với tư cách là lãnh đạo của 1,4 tỷ người Công giáo La Mã trên thế giới, ông sẽ tiếp tục di sản của cố Giáo hoàng Francis trong các vấn đề xã hội như chống đói nghèo và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, Giáo hoàng Leo XIV lên án một hệ thống kinh tế đang khai thác tài nguyên của Trái đất và “gạt những người nghèo nhất ra bên lề”.
Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo cũng cam kết sẽ đối mặt với "những câu hỏi, mối quan tâm và thách thức của thế giới ngày nay", đồng thời nhiều lần kêu gọi sự đoàn kết, hàn gắn những vết thương và chia rẽ để xây dựng một thế giới hòa bình, hòa thuận hơn.
Vào cuối Thánh lễ, Giáo hoàng Leo XIV đề cập đến một số cuộc xung đột trên thế giới hiện nay, trong đó ông kêu gọi một “nền hòa bình công bằng và lâu dài” tại Ukraine và cầu nguyện cho dải Gaza, nơi trẻ em, gia đình, người già và những người sống sót đang phải chịu cảnh đói khổ.
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, ngày 8-5, Hồng y Robert Francis Prevost, đã được bầu làm Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo và lấy tông hiệu là Giáo hoàng Leo XIV, đồng thời trở thành Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử là người Mỹ. Ông sinh ra tại Chicago (Mỹ), từng dành nhiều năm làm việc ở Peru và cũng có quốc tịch Peru.
Theo Reuters, trước lễ nhậm chức chính thức ngày 18-5, Giáo hoàng Leo XIV đã nêu ra một số ưu tiên quan trọng cho triều đại của mình, bao gồm cảnh báo về những nguy cơ do trí tuệ nhân tạo gây ra và tầm quan trọng của việc mang lại hòa bình cho thế giới cũng như cho chính Giáo hội Công giáo. Trong bài phát biểu hồi tuần trước, Giáo hoàng Leo XIV cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì hòa bình. Ông khẳng định chiến tranh "không bao giờ là điều không thể tránh khỏi" và cho rằng Tòa thánh Vatican nên đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột toàn cầu.
ANH VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.