Ngày 26-1, DW dẫn lời phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Steffen Seibert cho biết, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Biden kể từ khi ông chính thức tiếp quản Nhà Trắng, Thủ tướng Merkel đã hoan nghênh quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ đưa Washington quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo phát ngôn viên Seibert, hai bên đã thảo luận các vấn đề về chính sách đối ngoại, đặc biệt là liên quan tới Afghanistan và Iran cũng như các chính sách thương mại và khí hậu. Thủ tướng Merkel khẳng định, Đức sẵn sàng “gánh vác trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ quốc tế cùng với các đối tác châu Âu và xuyên Đại Tây Dương”. Chúc mừng Tổng thống Biden trên cương vị mới, Thủ tướng Merkel đã gửi lời mời nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Đức khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Trong khi đó, Reuters dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel đã nhất trí về “tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, kiểm soát đại dịch Covid-19 và “theo đuổi mục tiêu phục hồi ổn định nền kinh tế toàn cầu”. Tổng thống Biden bày tỏ ý định sớm “hồi sinh” mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

 Ông Joe Biden (khi còn là Phó tổng thống Mỹ) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin năm 2013. Ảnh: Getty Images

Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Macron, Tổng thống Biden bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ song phương với Pháp. Tổng thống Biden cũng khẳng định cam kết “thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mối quan hệ đối tác của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU)”. DW dẫn thông báo của Điện Élysée khẳng định hai nhà lãnh đạo đã đạt sự nhất trí về vấn đề biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó đại dịch. Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “chung tay với WHO” để bảo đảm phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho các quốc gia nghèo. Hai bên bày tỏ “sẵn sàng cùng hành động vì hòa bình cho khu vực Trung và Cận Đông, đặc biệt là vấn đề hạt nhân Iran”.

DW bình luận việc tiến hành các cuộc điện đàm với lãnh đạo các quốc gia đồng minh lâu năm tại châu Âu ngay trong những ngày đầu lên nắm quyền cho thấy Tổng thống Biden đang thực hiện một trong những ưu tiên đối ngoại mà ông đã cam kết, đó là khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. AP dẫn một tuyên bố của Nhà Trắng cũng khẳng định Tổng thống Biden xem mối quan hệ đối tác giữa Mỹ với NATO và EU là “một trụ cột của an ninh tập thể và các giá trị dân chủ chung của chúng ta”.

Trên thực tế, trong suốt 4 năm vừa qua, mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và EU thường xuyên rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vì mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Donald Trump, Mỹ và EU đã không ít lần bất đồng, thậm chí là trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trước hàng loạt vấn đề: Từ chính sách thương mại, vấn đề nhập cư, chi tiêu quốc phòng cho đến hồ sơ hạt nhân Iran, quan hệ với Nga... Một trong những ví dụ điển hình cho mối quan hệ nguội lạnh giữa hai bên, theo DW, là việc Washington quyết định cắt giảm hàng nghìn binh lính đồn trú tại Đức hồi năm ngoái. Dư luận hiện đang kỳ vọng dưới thời Tổng thống Biden, mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương sẽ “sang trang mới”. “Châu Âu và Mỹ là những đối tác tự nhiên vì cả hai cùng chia sẻ các giá trị chung. Tôi tin rằng hợp tác với nhau, chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn, giành được nhiều thứ hơn cho người dân của chúng ta”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz.

VŨ HOÀNG