Hội nghị Ngoại trưởng các nước G7 (Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) diễn ra từ ngày 3 đến 5-5 tại Anh với chương trình nghị sự nổi bật về dịch Covid-19 trong bối cảnh nhóm các quốc gia này đang được kỳ vọng phát huy vai trò trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu...
Đây là lần đầu tiên sau hai năm, các ngoại trưởng G7 mới gặp gỡ trực tiếp, sau những gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh cả thế giới chật vật chống chọi với đại dịch, chương trình nghị sự của hội nghị tập trung vào các vấn đề như phân phối vaccine, hồi phục kinh tế hậu Covid-19, biến đổi khí hậu và Trung Quốc.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 được trông đợi sẽ đạt những kết quả tích cực, bao gồm sự đồng thuận của các nước thành viên trong nỗ lực ứng phó đại dịch. Ngày 3-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước G7 tăng cường hỗ trợ tài chính, thúc đẩy quá trình hồi phục toàn cầu sau cuộc khủng hoảng do đại dịch. Theo WHO, nếu các nước G7 không hành động tích cực hơn, cuộc khủng hoảng này sẽ không thể chấm dứt. Các nước giàu có thành viên G7 có khả năng tài trợ cho việc sản xuất và mua vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm và điều trị cũng như hỗ trợ các công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cùng ngày khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G7, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về giáo dục toàn cầu-cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã kêu gọi các quốc gia giàu có trên thế giới tài trợ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo. Ông nhấn mạnh nhu cầu huy động khoảng 60 tỷ USD trong hai năm tới cho nỗ lực này.
 |
Ngoại trưởng nước chủ nhà Anh Dominic Raab chào đón ngoại trưởng các nước tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7. Ảnh: PA |
Cả Tổng giám đốc WHO và Đặc phái viên LHQ đều cho rằng, các nước G7 cũng có quyền hạn để loại bỏ mọi rào cản giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 bằng cách tạm dừng áp dụng các quy định về sở hữu trí tuệ (IP) với vaccine. Việc tạm dừng áp dụng các quy định IP đóng vai trò quan trọng, đây không đơn giản chỉ là vấn đề từ thiện.
Tuy nhiên, việc nước chủ nhà Anh mời thêm một số vị khách đặc biệt, như ngoại trưởng các nước: Australia, Hàn Quốc; đại diện ASEAN, Nam Phi, Ấn Độ, cho thấy mối quan tâm của nước chủ nhà Anh cũng như nhóm G7 đa dạng hơn nhiều, ngoài vấn đề ứng phó đại dịch. Theo thông cáo của nước chủ nhà, “việc họ tham dự sẽ mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện rộng lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Cuộc gặp song phương giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Canada Marc Garneau ngay trước thời điểm khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã chứng minh điều đó. Ngoại trưởng hai nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhất trí cần hợp tác chặt chẽ hơn vì mục tiêu hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên 6 lĩnh vực, trong đó có bảo đảm an ninh năng lượng, pháp quyền, hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh Dominic Raab, ông Motegi cũng tái khẳng định hợp tác an ninh và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoại trưởng Nhật Bản T.Motegi đã hoan nghênh việc Anh có kế hoạch triển khai tàu sân bay Queen Elizabeth và nhóm tàu chiến đấu đến Nhật Bản và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào cuối năm nay.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 nhằm chuẩn bị sự kiện quan trọng hơn đó là Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13-6 tới tại khu vực Tây Nam nước Anh. Và với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tại sự kiện này, hội nghị hứa hẹn sẽ thu hút nhiều quan tâm với chương trình nghị sự sôi động, trong đó là vấn đề quan hệ với Trung Quốc.
Trong thời gian tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Anh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có một loạt động thái ngoại giao, gặp gỡ song phương với người đồng cấp các nước G7, mà một trong những mục tiêu là tìm kiếm sự đồng thuận trong chiến lược xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Và nhiều khả năng các động thái này của ông Blinken cũng là nhằm chuẩn bị cho những gì mà Tổng thống Joe Biden sẽ thể hiện ở hội nghị thượng đỉnh trong vấn đề quan hệ với Bắc Kinh.
XUÂN PHONG