Dù cho màn tranh cãi nảy lửa giữa Chính phủ Australia và Facebook đã tạm thời khép lại nhưng hành động chặn chia sẻ tin tức của mạng xã hội lớn nhất thế giới này tại xứ sở chuột túi được cho là sẽ thôi thúc các nhà lập pháp trên toàn cầu mạnh tay hơn với những nền tảng công nghệ lớn. “Động thái bắt nạt mà Facebook thực hiện tại Australia sẽ khơi dậy mong muốn tiến xa hơn nữa của các nhà lập pháp trên toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Nghị viện Anh Julian Knight nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức Anh Henry Faure Walker nhấn mạnh, hành động của Facebook cho thấy lý do tại sao các nhà quản lý trên toàn cầu cần phối hợp để tạo ra một sân chơi thực sự bình đẳng giữa những “gã khổng lồ” công nghệ và các nhà xuất bản tin tức. Trong khi đó, ông Rasmus Nielsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters nêu rõ: "Động thái của Facebook cho thấy sức mạnh quá lớn mà một công ty tư nhân có được. Nhiều chính phủ và chính trị gia trên khắp thế giới đang lo ngại về điều đó và muốn giám sát chặt chẽ những công ty như Facebook hơn".
 |
Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và Google rơi vào tầm ngắm của nhiều quốc gia. Ảnh: Getty Images |
Những năm gần đây, Facebook và Google thường xuyên "lời qua tiếng lại" với các nhà xuất bản tin tức về cách hiển thị nội dung của mình. Các công ty truyền thông thì cho rằng những nền tảng công nghệ nên trả tiền cho họ để sử dụng nội dung tin tức. Trong khi đó, những nền tảng này khẳng định họ đã giúp thu hút lượng lớn độc giả cho các trang tin tức. Australia đã trở thành quốc gia tiên phong trong việc đưa ra luật yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải trả phí sử dụng nội dung tin tức cho các hãng truyền thông nước này.
Tiếp bước sau Australia, một quốc gia khác là Canada cũng đang thể hiện lập trường cứng rắn về phí bản quyền tin tức đối với các “ông lớn” công nghệ. Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault khẳng định, quốc gia Bắc Mỹ này đang ở tuyến đầu trong trận chiến yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho báo chí. Là người đang phụ trách soạn thảo dự luật liên quan đến vấn đề này, ông Guilbeault chia sẻ, Canada có thể áp dụng mô hình tương tự Australia, yêu cầu Facebook và Google trả tiền để sử dụng liên kết tin tức trên dịch vụ của họ hoặc thỏa thuận một mức giá thông qua tài phán chung cuộc. Các tổ chức truyền thông Canada cho rằng, nếu nước này áp dụng cách tiếp cận của Australia trong việc yêu cầu các "ông lớn" công nghệ trả phí tin tức thì điều đó sẽ cho phép các cơ quan báo chí thu về 620 triệu cad (tương đương 488,3 triệu USD) mỗi năm. Ngoài ra, Canada cũng đang xem xét áp dụng cách làm của Pháp, nơi yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn mở các cuộc đàm phán với các nhà xuất bản về thù lao cho việc sử dụng nội dung tin tức. “Chúng tôi đang làm việc để xem xét mô hình nào sẽ phù hợp nhất"-ông Guilbeault nhấn mạnh. Dự kiến, dự luật của Canada sẽ được công bố trong những tháng tới.
Tại Mỹ-quê hương của Facebook và Google, sắp tới, Hội đồng chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện nước này sẽ đưa ra một loạt dự luật chống độc quyền. Theo Reuters, dự luật đầu tiên sẽ cho phép các đơn vị xuất bản thông tin nhỏ bắt tay với nhau khi đàm phán với “những người gác cổng internet” như Facebook và Google. Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ken Buck, thành viên hội đồng trên nhấn mạnh, dự luật này có thể giúp các đơn vị xuất bản thông tin tại Mỹ gỡ gạc lại doanh số quảng cáo trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tin tức của họ gặp khó khăn trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội. Còn tại “lục địa già”, Thụy Điển cũng đang xem xét thực thi luật cho phép các hãng truyền thông được trả tiền khi nội dung báo chí của họ được chia sẻ trên nền tảng xã hội. “Chúng tôi muốn các tờ báo có cơ hội phổ biến nội dung của mình trên mạng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn các đại gia công nghệ toàn cầu trả tiền cho việc sử dụng nội dung báo chí"-ông Thomas Mattsson, quyền Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất bản truyền thông Thụy Điển khẳng định.
Với sự phát triển nhanh chóng của internet, thói quen đọc của nhiều người đã thay đổi. Người dùng trên toàn cầu chuyển dần sang sử dụng các nền tảng công nghệ và mạng xã hội để đọc tin tức. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho ngành báo chí thế giới. Rất nhiều tòa soạn phải đóng cửa, cắt giảm việc làm hoặc thu hẹp quy mô. Do đó, việc yêu cầu những nền tảng xuyên biên giới như Google và Facebook phải chia sẻ nguồn thu với các cơ quan báo chí có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tòa soạn trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
LÂM ANH