 |
Biểu tình ở I-ta-li-a phản đối chiến tranh Việt Nam ngày 29-11-1967. Ảnh: Corbis |
Những ngày gần đây, báo chí thế giới liên tiếp phản ánh ý kiến của đông đảo độc giả, các chính trị gia và nhiều nhà sử học, phản ứng trước những đánh giá sai lệch của Tổng thống Mỹ Bu-sơ về chiến tranh Việt Nam mà ông đưa ra trong bài diễn văn đọc trước Đại hội toàn quốc thường niên của Hội cựu chiến binh Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Báo Quân đội nhân dân
trích giới thiệu với bạn đọc.
Lịch sử đã được viết một cách cẩu thả
Trong bài viết trên mạng tin New West, ông Ních Giơ, Giáo sư danh dự Đại học Idaho, viết “Ông Bu-sơ muốn rút ra bài học từ Việt Nam…Ông cho rằng những người thất bại ở Việt Nam phải chịu trách nhiệm về nạn thuyền nhân, trại cải tạo và những “cánh đồng chết” ở Cam-pu-chia.
Ông Bu-sơ dường như quên rằng Tổng thống Ních-xơn đã bí mật ném bom đất nước Cam-pu-chia trung lập và lật đổ hoàng thân Nô-rô-đôm Xi-ha-núc…Chúng ta đã thay Xi-ha-núc bằng một chính phủ cánh hữu yếu ớt để tạo điều kiện cho Khơ-me Đỏ chiến thắng và tiến hành nạn diệt chủng.
Có nhiều người Việt Nam phải chịu thảm cảnh sau chiến tranh nhưng điều đó làm sao có thể so với ít nhất một triệu người thiệt mạng do sự can dự của chúng ta, và còn cả những người chết vì các vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, rồi con cái của họ bị nhiễm chất độc da cam”.
Còn ông An-tô-ni Co-dơ-man, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, thì cho rằng đánh giá của Tổng thống Bu-sơ chính là việc “lịch sử đã bị viết một cách cẩu thả. Tôi nghĩ đa số các nhà lịch sử quân sự đều sẽ cảm thấy đau đớn bởi dựa trên lý thuyết quân sự cơ bản, tổng thống đã trình bày sai những gì đã xảy ra ở Việt Nam”.
Không thể dùng bom đạn để khuất phục người dân bản địa
Tờ Political Hay số ra ngày 30-8 đã trích lại ý kiến của Thượng nghị sĩ Ét-uốt Ken-nơ-đi, em trai cố Tổng thống G. Ken-nơ-đi. Ông Ét-uốt Ken-nơ-đi phân tích: “Tổng thống Bu-sơ đã đưa ra một bài học sai về lịch sử. Mỹ thua cuộc chiến Việt Nam vì quân đội chúng ta sa lầy ở một đất nước xa xôi mà chúng ta không hề hiểu gì hết. Mỹ khi đó ủng hộ một chính phủ không có đủ tính hợp pháp đối với người dân họ”.
Tờ báo cũng đề cập đến ý kiến của Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri, cựu binh trong chiến tranh Việt Nam. Ông Giôn Ke-ri cho rằng sự so sánh của Tổng thống Bu-sơ về chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến ở I-rắc là “vô trách nhiệm và không hiểu sự thật về hai cuộc chiến”. Theo ông Giôn Ke-ri, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như tại I-rắc bây giờ, “ lính Mỹ đã bị buộc phải tham chiến và kết quả là nhận lấy cái chết trong cuộc chiến tranh, nơi không thể dùng bom đạn để khuất phục người dân bản địa”.
Còn theo giáo sư Uy-li-am thuộc Trường đại học Frostburg, việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam hơn 40 năm trước là một điều nguy hiểm và gây chết người. Ông khẳng định: “Tôi không nghĩ rằng nếu Mỹ ném thêm bom thì có thể chiến thắng trong cuộc chiến. Đó là điều ngu ngốc”.
Trong bài viết đăng trên tờ Real Clear Politics ngày 29-8, tác giả Rô-bớt Tra-xin-xki đã phân tích quá trình dẫn đến việc Mỹ rút chạy khỏi Việt Nam và kết luận cuộc chiến Việt Nam là câu chuyện về hai sai lầm của những chế độ dân chủ. Chế độ đầu tiên khởi xướng ra cuộc chiến đã cố dùng vũ lực để chiến thắng. Chế độ thứ hai tìm cách kết thúc cuộc chiến, rời bỏ sân khấu chính trị miền Nam để che giấu cho sự thất bại của mình.
Lấn lá ở Việt Nam vì không muốn là siêu cường thua trận
Ông Ma-giô-ri Côn, giáo sư Đại học luật Thomas Jefferson, Chủ tịch Hội luật gia Mỹ viết: “Ông Bu-sơ tuyên bố: “Hàng triệu người vô tội đã phải trả giá cho việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam”. Thế nhưng, ông không nhận ra rằng, cuối cùng những người phải trả giá cho cuộc chiến đế quốc chính là 4 triệu người Đông Dương và 58.000 binh Mỹ. Và vô số người Việt Nam và người Mỹ hàng ngày hàng giờ vẫn tiếp tục chịu đựng những hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam.
Trái ngược với bức tranh mà ông Bu-sơ vẽ lên, Việt Nam là một nước thống nhất, ổn định và không tạo ra mối đe dọa khu vực. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại của Mỹ.
Nguyên nhân duy nhất mà chúng ta lấn lá ở Việt Nam chừng nào còn có thể là để tránh việc siêu cường Mỹ bị coi là “người thua trận”. Sự can sự vào Việt Nam đã chấm dứt bởi vì binh sĩ của chúng ta từ chối chiến đấu, người dân thì đổ ra đường biểu tình với số lượng lên tới mức kỷ lục, Tổng thống Ních-xơn bị suy yếu bởi vụ Oa-tơ ghết, và Bắc Việt, trái ngược với chính quyền miền Nam, giành được trái tim và khối óc của nhân dân Việt Nam”.
Không thể theo đuổi cuộc chiến khi người dân Mỹ đã từ bỏ nó
Trong bài viết trên báo mạng Oregon, biên tập viên Đ. Sa-ra-sơn phân tích: “Đã có ít nhất 4 lời giải thích về sự hiện diện của Mỹ ở I-rắc. Thứ nhất, bởi vì ông S. Hút-xen có vũ khí hủy diệt và bất cứ lúc nào cũng có thể sử dụng để tấn công Mỹ. Chúng ta được cảnh báo khói súng có thể trở thành cột nấm của bom nguyên tử.
Khi điều đó không phải là sự thực, chính quyền lại giải thích rằng, lý do chính để tiến hành cuộc chiến là để thiết lập nền dân chủ ở I-rắc rồi từ đó mà mở ra toàn bộ vùng Trung Đông…Sau đó, chúng ta được giải thích là Mỹ ở I-rắc để chống lại Al-Qaeda - những kẻ đã thực hiện vụ tấn công khủng bố 11-9, mặc dù al-Qaeda không tồn tại ở I-rắc và phần lớn các vụ tấn công vào quân Mỹ là từ các lực lượng người I-rắc.
Và bây giờ, ông Bu-sơ quả quyết rằng chúng ta phải chiến đấu ở I-rắc, bởi vì cũng như ở Việt Nam, sẽ tồi tệ nếu như chúng ta rút đi…Nhưng thực tế, điều thiết thực rút ra từ Việt Nam là: Thứ nhất, nếu như chính phủ bản xứ mà chúng ta chiến đấu vì họ không vận hành được, thì việc chúng ta phải chiến đấu trong bao lâu chẳng có nghĩa lý gì. Thứ hai, khi mà người dân Mỹ đã quyết định từ bỏ cuộc chiến, thì sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục theo đuổi nó”.
Giới sử gia của Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích ông Bu-sơ là bóp méo lịch sử. Sử gia Rô-bớt Đa-lếch đã khẳng định trên tờ Thời báo Lốt An-giơ-lét: “Đây rõ ràng là một động cơ chính trị nhằm đổ hết lỗi cho phía đối thủ. Trong khi thảm họa cuộc chiến hiện nay ở I-rắc là việc quyết định tham chiến chứ không phải quyết định rút quân hiện giờ”.
Người Việt Nam chỉ muốn có cơm ăn và không bị bắn giết
Nhà báo nổi tiếng R. Con-oen trên tờ Independent của Anh ra ngày 24 – 8 viết: “Ông Bu-sơ đã trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Grin viết năm 1955, lấy ra một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là A. Pai, một điệp viên Mỹ. Đó là những ngày Đông Dương còn là thuộc địa của Pháp, A. Pai trẻ trung, ngờ nghệch bị cuốn hút bởi đất nước này nên đã có mặt ở Việt Nam lúc đó, bí mật tìm cách để đưa các giải pháp của người Mỹ và đất nước Việt Nam không may mắn này…A. Pai nghĩ rằng anh ta có tất cả câu trả lời, nói rộng ra là chỉ mỗi người Mỹ là có thể đem lại những điều tốt đẹp với tư cách là “đất nước dân chủ” cho đất nước không may mắn Việt Nam này.
Nhưng nhà báo người Anh T. Phao-lơ, người già dặn hơn, thông thái hơn và cũng hoài nghi sâu sắc hơn đã đáp lại rằng, nguyện vọng thực sự của người dân Việt Nam không phải là những gì cao siêu: “Họ muốn có đủ cơm ăn. Họ không muốn bị bắn giết. Họ không muốn những người da trắng chúng ta bảo cho họ biết phải làm gì”.
MẠNH TƯỜNG và THU TRANG (giới thiệu)
(Ảnh đại diện Hội phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (Mỹ) gương cao khẩu hiệu "Dừng ngay cuộc chiến tại Việt Nam" tại ga tàu điện ở Pen-xin-va-ni-a ngày 9-2-1966. Ảnh: Corbis)