Theo Tân Hoa xã, phát biểu khai mạc diễn đàn của Hội đồng Kinh tế và Xã hội năm 2021 về tài trợ cho phát triển, TTK LHQ Guterres cho rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây hơn một năm, thế giới vẫn chưa có cách thức ứng phó đa phương nào như mong đợi. Hơn 3 triệu trường hợp đã tử vong vì dịch bệnh, khoảng 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực và 255 triệu việc làm toàn thời gian biến mất. Đại dịch Covid-19 khiến thế giới lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua. Và cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài khi hiện nay, tốc độ lây lan của dịch Covid-19 chẳng những không giảm mà còn tăng lên.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Diễn đàn của Hội đồng Kinh tế và Xã hội năm 2021 về tài trợ cho phát triển. Ảnh: Tân Hoa xã 

“Chúng ta cần nhận thức được bài học ngay bây giờ nếu muốn đảo ngược xu hướng nguy hiểm này, ngăn chặn làn sóng lây nhiễm liên tiếp, tránh suy thoái toàn cầu kéo dài và trở lại đúng hướng để hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”, TTK LHQ Guterres cảnh báo.

Để giải quyết thách thức từ đại dịch, TTK LHQ Guterres kêu gọi triển khai 6 biện pháp. Trong đó, điều đầu tiên ông nhắc tới là bảo đảm việc phân bổ vaccine một cách công bằng cho tất cả các quốc gia có nhu cầu. Theo ông, để kết thúc đại dịch, chúng ta cần bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vaccine cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Ông nhấn mạnh, 10 quốc gia phát triển đã chiếm đến 75% tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác thậm chí còn chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ mắc bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy sự bất bình đẳng về vaccine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới hơn 9.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, người đứng đầu LHQ cũng đề xuất đảo ngược sự sụt giảm nguồn tài chính ưu đãi, kể cả ở các nước có thu nhập trung bình. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản hỗ trợ phát triển và kêu gọi những nhà tài trợ, tổ chức quốc tế tăng cường các khoản hỗ trợ này.

Đáng chú ý, TTK LHQ đã đề xuất đánh thuế đối với những người kiếm lời trong đại dịch để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng hiện nay. "Các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng 5.000 tỷ USD trong năm qua. Tôi kêu gọi các chính phủ xem xét đánh thuế đoàn kết cộng đồng hoặc thuế tài sản đối với những người đã kiếm lời trong đại dịch để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng”, TTK LHQ nêu rõ.

Để giúp các quốc gia nhanh chóng lấy lại đà phát triển vốn có, ông Guterres cho rằng cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng các biện pháp giảm và giãn nợ cho những quốc gia có nhu cầu. TTK LHQ Guterres kêu gọi gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến năm 2022, đồng thời mở rộng đối tượng áp dụng là tất cả các quốc gia có nhu cầu, bao gồm cả những nước có thu nhập trung bình. Ngoài xóa nợ, TTK LHQ Guterres cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp táo bạo nhằm củng cố cấu trúc nợ quốc tế để chấm dứt những chu kỳ chết chóc của làn sóng nợ và khủng hoảng nợ toàn cầu. Ông đề xuất điều này có thể bắt đầu bằng một cuộc đối thoại cởi mở, có thời hạn với tất cả các bên liên quan để xây dựng lòng tin và sự minh bạch.

Một điểm nữa được TTK LHQ nhắc tới là sự đầu tư vào con người. Ông cho rằng thế giới cần một giao ước xã hội mới, dựa trên sự đoàn kết và đầu tư vào giáo dục, việc làm xanh, hệ thống bảo trợ xã hội và y tế. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm.

TTK LHQ cũng đề xuất tái khởi động các nền kinh tế theo cách bền vững và bình đẳng, phù hợp với SDGs và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ cho thấy chỉ 2,5% các khoản chi tiêu nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi mang tính tích cực và thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy các quốc gia đang bỏ lỡ cơ hội duy nhất để nắm bắt những giải pháp sáng tạo giúp thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo TTK LHQ, đại dịch Covid-19 là thách thức trước mắt, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể lơ là những mối đe dọa khác, trong đó có biến đổi khí hậu. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển, tác động của biến đổi khí hậu vô cùng nghiêm trọng. Do vậy, điều cần làm là khẩn trương thực hiện những chính sách và đặt ra mục tiêu cũng như thời hạn để giảm lượng khí phát thải hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.

"Để giải quyết những thách thức trong tương lai, bao gồm cả những thách thức từ đại dịch Covid-19, chúng ta cần một sự nỗ lực và động lực to lớn ở cấp chính trị cao nhất", TTK LHQ Guterres nhấn mạnh.

NGỌC HÂN