Trong khi nhiều CLB ồn ào đổ tiền mua sắm nâng cấp đội hình nhằm những mục tiêu lớn thì bầu Đức đầu tư nâng cấp sân tập cùng cơ sở vật chất cho trung tâm huấn luyện, tập trung trui rèn các cầu thủ trẻ tuổi 18 đôi mươi để tung họ vào lửa trong mùa giải mới. Đồng thời, Ngọc Quang, Minh Vương, Quang Nho... những cái tên cuối cùng của các lứa học viện đầu cũng đã được rời phố núi.

 Hoàng Anh Gia Lai từ chối bán trung vệ Phạm Lý Đức. Ảnh: laodong.vn

Không có gì phiêu lưu mạo hiểm ở đây mà vẫn là triết lý căn cơ đào tạo, cung ứng cầu thủ trẻ cho bóng đá nước nhà. Nếu cái đích là vô địch thì ông đã từng làm được với rất nhiều tốn kém cùng Kiatisuk thời cầu thủ và các ngoại binh. Nếu cái đích là tạo đột phá cho tư duy và cách làm bóng đá từ móng nền thì ông cũng đã thành công với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn...

Chính lứa này đã làm nên thế hệ vàng mới của bóng đá Việt Nam, với các danh hiệu, chỗ đứng chưa từng có ở khu vực và châu lục, bắt đầu từ kỳ tích Thường Châu. Cũng chính là họ đã mạnh dạn khám phá con đường xuất ngoại gian nan ở các vùng đất Á, Âu để đưa lại những cái nhìn và kinh nghiệm cho các thế hệ sau. Và mấy mùa lại đây, lứa đẹp từ các khóa đầu học viện đều đã và đang đóng góp cho các CLB V-League và hạng Nhất với vị thế là các trụ cột.

Điểm lại như thế để thấy “đá cho vui” đã thực sự đem lại niềm vui không chỉ cho phố núi mà còn cho cả nền bóng đá. Mặc dù lời tuyên bố của bầu Đức xuất phát từ bối cảnh ông chủ tịch của Hà Nội FC đã giúp đỡ và chi phối nhiều CLB eo hẹp về tài chính làm mọi người chỉ nghĩ đến hàm ý dỗi dằn, tị nạnh vì không công bằng, minh bạch thì trước sau chủ ý tâm huyết của ông Đức đã thành công.

Ngay cả bầu Hiển, một đối thủ mà bầu Đức nhắm tới cũng đã sớm công khai đề cao tâm huyết của ông. Tất nhiên, trên chặng đường dài đầy khó khăn, bầu Đức còn phải đối mặt với nhiều luồng ý kiến đánh giá khác nhau. Trong đó, đau đớn nhất là lời ngậm ngùi của cầu thủ tài năng Minh Vương rằng “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. Bóng đá phải có thành tích nhưng thành tích theo nghĩa mở đường, theo nghĩa tạo nguồn tài năng thực sự hệ trọng, đáng mong đợi. Nhớ rằng vì hết chăm chút cho “những đứa trẻ của nhà mình” mà bầu Đức đã sớm đưa họ vào chơi V-League khi họ chưa đủ độ chín. Ông tuyên bố: "Có phải xuống hạng cũng vẫn làm vậy". Và nữa, dù có đầu tư đưa về cầu thủ ngoại giỏi thì người ta lại thấy CLB sử dụng họ theo hướng phục vụ cho cầu thủ nhà tỏa sáng.

Chưa hết, gian khó và nỗi đau còn đến sau khi lần lượt các con cưng được lên đường đến với các CLB khác thì HAGL buộc phải từ bỏ lối chơi đẹp mong muốn để thay bằng lối chơi giàu thể lực mạnh mẽ hơn, khó chịu và thực dụng hơn, và phải gánh chịu sự chê bai xấu xí. Đáng mừng là đồng hành với bầu Đức có những người cùng tâm huyết đào tạo trẻ như các huấn luyện viên Vũ Tiến Thành, Quang Trãi. Kết quả thu được vẫn chỉ là trụ hạng, song các cầu thủ trẻ lại được ra trận và tiến bộ. Những cái tên như thủ thành Trung Kiên, trung vệ Phạm Lý Đức cùng tiền đạo Quốc Việt được gọi vào đội U.22 Việt Nam... Còn nữa, những người trẻ hơn như Gia Bảo cũng là niềm hy vọng tương lai. Những niềm vui vẫn bay lên từ phố núi.

Nhìn trước nhìn sau hành trình dài của HAGL để thấy công tác đào tạo cầu thủ, mục tiêu và đường hướng chiến lược chủ đạo, lâu dài của bóng đá Việt Nam, nếu không có sự vào cuộc chủ động, tích cực của các CLB, các trung tâm đào tạo không thể thành công. Nhìn vào thực tế chỉ có số ít CLB hội tụ đủ các điều kiện mới có khả năng đua tranh ngôi vô địch và các thứ hạng cao. Số này càng được đầu tư phát triển bứt vượt lên càng đưa lại thành tích cho bóng đá đỉnh cao. Số còn lại được đá ở V-League đã là vui. Phải chấp nhận và trên ý nghĩa thiết thực cũng là niềm vui khi cầu thủ của họ được trả giá xứng đáng để chơi ở các CLB hàng đầu. Càng vui hơn khi quá trình kiên trì xây dựng đạt đến độ nhất định đội bóng sẽ làm nên những đột phá bất ngờ.

Nhìn rộng ra, cả thế giới bóng đá là thế. Huấn luyện viên danh tiếng Wenger từng khẳng định, chỉ có rất ít CLB đủ sức về mọi mặt để tranh đoạt ngôi vô địch châu Âu. Cũng vì thực tế này mà hàng nghìn CLB các cấp độ trên toàn cầu vẫn tồn tại, các sân đấu hạng thấp vẫn đông khán giả. Bởi trước hết, đó là đội bóng của quê hương, đất nước họ, của "làng ta".

THƯỜNG NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.