Hiệp 2, huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo phải tung toàn bộ những nhân tố tốt nhất vào sân để tìm kiếm chiến thắng. Đó là về mặt con người. Về lối chơi không có chuyển biến rõ rệt. Có chăng 30 phút cuối đội nhà chơi nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh tấn công hơn”.
Từ kỳ vọng đến thất vọng
Cũng theo lời cựu cầu thủ Thể Công Đặng Phương Nam: “U.23 Việt Nam chưa có giải pháp hiệu quả như tấn công biên, kéo giãn hệ thống phòng ngự đối phương. U.23 Việt Nam thiếu các miếng đánh dù được hưởng nhiều quả đá phạt”.
Ba tháng tập luyện chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á 2022 không phải là ít với Hai Long, Lê Văn Xuân, Việt Cường và đồng đội. Nhưng nếu như không phải là U.23 Việt Nam cố tình giấu bài ở trận gặp U.23 Đài Loan (Trung Quốc), thì khả năng cao là các cầu thủ trẻ của chúng ta chưa thuộc bài.
Các pha tấn công chủ yếu dựa trên sự cố gắng của nỗ lực cá nhân, ít pha phối hợp rõ mảng miếng. Đấy là đặt trong bối cảnh đội bạn gần như không gây được áp lực về phía khung thành thủ môn Văn Toản. Đúng ra, các học trò của thầy Park phải chơi thoải mái, chứ không phải “đeo chì” vào chân.
 |
Việt Cường (bên trái) trong trận gặp U.23 Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: VFF |
Sau trận, thầy Park nói nước đôi: “Tôi không hài lòng về kết quả trận đấu nhưng chiến thắng là quan trọng”.
Với người hâm mộ, cảm nhận phần lớn không hài lòng với màn trình diễn của đội nhà trong trận ra quân ở vòng loại U.23 châu Á 2022. Số đông người hâm mộ đi từ kỳ vọng đến thất vọng. Rất kiên nhẫn, nhiều cổ động viên (CĐV) theo dõi màn trình diễn của các cầu thủ U.23 Việt Nam, nhưng không có pha bóng nào khiến người hâm mộ hò reo, ăn mừng. Chỉ đến khi Lê Văn Xuân ghi bàn ở cuối hiệp 2, CĐV mới trút được gánh nặng lo lắng cho đội nhà.
Các cầu thủ trẻ bị áp lực?
Bước vào vòng loại, HLV Park Hang-seo mong tìm được một vài nhân tố bổ sung cho đội tuyển quốc gia, ở trận gặp Nhật Bản và Saudi Arabia tới đây. Phải chăng, chính sự kỳ vọng từ chiến lược gia người Hàn Quốc khiến các cầu thủ trẻ bị áp lực? Khó ở chỗ, đa phần cầu thủ ở U.23 quốc gia ít được vào sân thi đấu mùa giải qua. Phần lớn trong số họ là dự bị ở câu lạc bộ. Chưa kể năm qua do dịch Covid-19, nhiều giải đấu bị hoãn, hủy khiến cầu thủ ít được tranh tài, cảm giác bóng kém, khó duy trì phong độ.
Còn một yếu tố nữa, nói như cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam: “U.23 Việt Nam thiếu nhân tố ngôi sao”. Thầy Park không thể tạo ra “bột” cho bóng đá Việt Nam. Ông “gột nên hồ” 3-4 năm qua cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam bởi có nhiều “bột” tốt. Những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng... thi đấu tưng bừng ở VCK U.23 châu Á 2018, từ đó làm nền tảng cho thành công của bóng đá Việt Nam ở ASIAD, AFF Cup, SEA Games, tiến vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.
Cũng phải thấy rằng, lứa Công Phượng, Xuân Trường may mắn vì được thi đấu, cọ xát nhiều với các đội trẻ, từ những giải U.19 quốc tế cho đến các chuyến tập huấn chất lượng cao ở nước ngoài. Chính việc được thi đấu thường xuyên với các đối thủ mạnh, đã giúp thế hệ cầu thủ sinh năm 1995-1997 của bóng đá nước nhà trưởng thành, chững chạc, đường hoàng bước vào các giải đấu của khu vực và châu lục.
Đội tuyển U.23 Việt Nam hiện nay không có được những may mắn, điều kiện thuận lợi như trên. Nhìn rộng ra, tình hình dịch Covid-19 hai năm qua đã ảnh hưởng quá nhiều đến bóng đá nước nhà.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích: “Thầy Park sai thì ông luôn sẵn sàng nhận và rút kinh nghiệm. Khi HLV trưởng đội tuyển quốc gia làm quá nhiều việc, lỡ có sai chúng ta cũng nên thông cảm. Chúng ta góp ý chân thành để mọi thứ tốt lên. Không ai đúng hết được mà cũng phải có lúc sai sót.
Tôi thấy thầy Park đang “vừa bế em, vừa xay lúa”, chạy từ vòng loại World Cup 2022 sang vòng loại U.23 châu Á 2022, rồi sau trận đấu với U.23 Myanmar tới đây, lại quay trở về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Theo tôi, giá như có HLV khác dẫn dắt U.22 Việt Nam, thầy Park vào vai cố vấn thì tốt hơn, giảm bớt khối lượng công việc cho chiến lược gia người Hàn Quốc, để ông chú tâm vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á”.
KHOA MINH