Tình yêu ấy tạo nên động lực nâng bước nhưng cũng là áp lực đối với chính họ và cả hệ thống bóng đá nước nhà. Không lạ là ngay sau khi thầy trò huấn luyện viên Gong Oh-kyun rời giải, lập tức những làn sóng dư luận đã nổi lên mong mỏi và đòi hỏi những cầu thủ trẻ phải được trọng dụng ở các sân chơi chuyên nghiệp. Cái lý, cái tình của sự ái mộ luôn là như vậy song con đường phát triển của cầu thủ chẳng bao giờ trải sẵn hoa hồng.
 |
Ông Gong Oh-Kyun.Ảnh: VFF. |
Nếu như người hâm mộ mong các cầu thủ nhanh chóng trưởng thành một thì những lãnh đạo và huấn luyện viên các câu lạc bộ (CLB) chủ quản của họ còn mong mỏi hơn thế nhiều lần. Tuyển chọn, chăm bẵm, đổ mồ hôi nhiệt huyết để bồi dưỡng, rèn luyện họ, mong đợi từng bước chạy, từng động tác, hành vi trên sân tập và trong cuộc sống ở từng “đứa con cưng” của mình.
Vậy nhưng, để đưa họ ra sân trong đội hình chính là biết bao vấn đề phải lo toan, tính toán. Một đội bóng không có kết quả tốt chứ chưa nói đến thành tích cao thì làm sao có động lực phát triển, làm sao thu hút được công chúng và nhà tài trợ.
Ai chẳng muốn đưa các cầu thủ triển vọng đang được mến mộ ra sân, thậm chí nhiều CLB còn coi đó như một chiêu thức kéo người xem đến sân hay câu view, câu like. Việc này không hiếm trong thế giới bóng đá và ở nước ta cũng đã từng.
Có cầu thủ vừa nổi như cồn ở giải đấu trẻ châu lục đã lập tức được các CLB hàng đầu V-League vời về song thật tiếc, cái nền thiếu cơ bản cùng sự mất tập trung vào rèn luyện chuyên môn đã làm những phút giây lóe sáng của nhân tố mới này chỉ còn trong ký ức. Không chỉ là đơn lẻ, những ví dụ tương tự tại V-League không thiếu. Suy cho cùng chính việc chiêu mộ, sử dụng kiểu này cũng là một thứ bệnh thành tích, bệnh ăn xổi.
Một vấn đề khác cũng luôn được đặt ra, đó là sự công bằng trong dụng binh. Những con người tưởng miệt mài cống hiến và đã chứng tỏ mình sao có thể bỗng chốc gạch ra rìa? Một ai đó có triển vọng nhưng phong độ của họ chỉ là nhất thời hay thực sự có đẳng cấp chỉ có thể được kiểm nghiệm qua cả quá trình. Câu chuyện này, thật may mắn đã có nhiều CLB thực hiện thành công trong việc kết hợp mới-cũ, trẻ-già.
Ở Hà Nội FC, bên cạnh các đàn anh Thành Lương, Văn Quyết... thì những Văn Hậu, Đức Huy, Duy Mạnh... đã sớm được đưa lên đội hình chính. Cùng với đó, những phát hiện muộn Hùng Dũng, Tuấn Hải dù không sớm nổi danh ở các giải đấu trẻ song lại tiến bộ từng bước chắc chắn, ổn định. Sử dụng công bằng và cân bằng như vậy, Hà Nội FC đã thành công cả về độ đồng đều, bền vững lẫn bồi dưỡng, làm mới và hoàn thiện đội hình, lối chơi.
Mỗi CLB đều có các cách và những bước đi khác nhau trong xây dựng đội bóng song qua thực tế có thể khẳng định, không đâu không chú trọng bồi dưỡng, sử dụng cầu thủ trẻ. Một lứa trẻ tự đào tạo đã là nòng cốt để Hoàng Anh Gia Lai chinh phục người hâm mộ. Cũng từ một, hai lứa trẻ Viettel FC đã lên chơi V-League thành công, thậm chí sớm lên ngôi vô địch. Các CLB Becamex Bình Dương, Sông Lam Nghệ An... không kết hợp các lớp già-trẻ sao tồn tại được như một thế lực...
Nêu những điều như trên để làm rõ thêm việc dụng trẻ tại các CLB là có cơ sở, có thực tế. Vấn đề là trong việc hệ trọng này luôn cần “trái tim nóng và cái đầu lạnh” không thể “dục tốc bất đạt” không thể đi tắt, đốt cháy giai đoạn. “Bóng đá trẻ chỉ là bóng đá trẻ mà thôi”, câu này từng được nói nhiều, có phần cực đoan nhưng luôn là sự cảnh tỉnh để những người làm bóng đá cùng công chúng vừa cần sự cẩn trọng vừa cần sự mạnh bạo trong bồi dưỡng, sử dụng.
Bóng đá chuyên nghiệp là cạnh tranh, quy luật đào thải khắc nghiệt không loại trừ ai, là môi trường lửa nóng và nước lạnh trui rèn. Con đường của các cầu thủ trẻ nói chung và lứa U.23 mới vươn lên, trưởng thành biến tiềm năng thành tài năng là con đường phấn đấu gian nan không ngừng nghỉ. Dẫu gì thì cũng đã thấy thật phúc đức cho bóng đá nước nhà khi có thêm một lứa kế cận tạo nên động lực, năng lượng mới cho các CLB và các đội tuyển quốc gia.
THƯỜNG NGUYỄN