Nút thắt khó cởi

Chiều 2-7, Nguyễn Đức Chiến ra mắt câu lạc bộ (CLB) Phù Đổng Ninh Bình (PĐNB). Anh ký hợp đồng 3 năm với đội bóng cố đô, được cho là sẽ nhận 15 tỷ đồng tiền “lót tay”. Nhưng Đức Chiến không thể nhận trọn vẹn số tiền khổng lồ kể trên. Bởi một ngày trước đó, tuyển thủ Việt Nam đã phải chi ra 3 tỷ đồng để đổi lấy “sự tự do” từ TCVT. Đáng nói, khoảng thời gian còn lại của giao ước giữa đội bóng áo lính và Đức Chiến chỉ còn vỏn vẹn 2 tháng. 

Đức Chiến quyết tâm rời Thể Công Viettel để gia nhập Phù Đổng Ninh Bình. 

Nút thắt nằm ở thời hạn hợp đồng của Đức Chiến và TCVT. Đến ngày 24-8-2025, khi bước sang tuổi 26, cầu thủ này mới hết thời gian đồng hành với đội bóng áo lính. Tuy nhiên, thời hạn đăng ký cầu thủ nội tại giai đoạn 1 V-League 2025-2026 lại kết thúc vào ngày 15-8-2025. Với tư cách đội vẫn sở hữu hợp đồng, TCVT có quyền đăng ký Đức Chiến. Khi ấy, anh buộc phải thi đấu cho đội bóng áo lính trong vòng... 9 ngày, trước khi trở thành cầu thủ tự do và đầu quân cho PĐNB. Cũng vì quá mốc đăng ký cầu thủ, đội bóng cố đô không thể sử dụng Đức Chiến trong phần còn lại của lượt đi V-League mùa tới.

Câu chuyện tương tự khi TCVT không đăng ký Đức Chiến ở giai đoạn 1 V-League 2025-2026. Cầu thủ này sẽ phải ngồi chờ đến khi trở thành diện tự do và đến đất cố đô. Vòng lặp diễn ra như mô tả kể trên. Đức Chiến không đủ điều kiện để thi đấu cho CLB mới ở lượt đi mùa giải. Đây cũng chính là lý do khiến Đức Chiến ở thế bị động so với TCVT. Trung vệ này hoặc PĐNB đã phải chấp nhận chi ra 3 tỷ đồng để thanh lý 2 tháng hợp đồng còn lại giữa anh với TCVT.

TCVT không sai ở chuyện này, bởi đội bóng áo lính “nắm đằng chuôi”. Đây cũng là một bài học lớn trong chuyển nhượng tại V-League. Việc thiếu đối thoại song phương giữa CLB với CLB vô hình trung tạo nên câu chuyện ly kỳ xoay quanh Đức Chiến. Thực tế, thay vì chỉ liên hệ với cầu thủ, nếu PĐNB chấp nhận đứng ra đàm phán với TCVT, số tiền đền bù cho phần còn lại của hợp đồng có thể đã thấp hơn con số 3 tỷ đồng.

Chuyện lớn mở ra tầm vĩ mô

Một vấn đề trong câu chuyện của TCVT, Đức Chiến và PĐNB là thời hạn hợp đồng và mốc thời gian chuyển nhượng tại V-League. Thứ nhất, Đức Chiến ký hợp đồng theo tuổi thay vì mùa giải. Không phải cầu thủ này không biết bất lợi xoay quanh việc lựa chọn mốc thời gian kể trên. Nhưng tại đa số CLB Việt Nam, không chỉ TCVT, bất cứ cầu thủ nào cũng ký kết hợp đồng đào tạo trẻ và cống hiến. Ở mỗi CLB, thời gian cho dạng giao ước kể trên dài ngắn khác nhau. Nhưng trung bình, các cầu thủ đều chỉ bắt đầu có hợp đồng chuyên nghiệp (ký kết theo mùa giải) ở mốc 25-26 tuổi. Đức Chiến, Quang Hải, Hoàng Đức, Đình Trọng... đều ở những trường hợp tương tự. Trong khi đó, Văn Toàn, Xuân Trường, Công Phượng... thậm chí chỉ có "lót tay" khủng khi đã 27-28 tuổi.

Dễ dàng nhận thấy hai vấn đề có liên quan chặt chẽ với nhau xoay quanh bóng đá Việt Nam. Thứ nhất, các cầu thủ sẽ không có nhiều cơ hội để cọ xát, trưởng thành ở các môi trường trong nước hay nước ngoài từ khi 18-20 tuổi, trừ những bản hợp đồng cho mượn có thời hạn ngắn. Khi đã cứng tuổi (25-28 tuổi), họ mới nhận được những lời đề nghị hấp dẫn đầu tiên trong sự nghiệp quần đùi, áo số. Hiển nhiên với chế độ bao gồm "lót tay", lương, thưởng hấp dẫn hơn so với khi cống hiến cho CLB chủ quản, các cầu thủ không tránh khỏi việc xiêu lòng.

Hoàng Đức, cầu thủ từng chịu rất nhiều chỉ trích vì bị coi là tham tiền, khi xuống hạng Nhất chơi cho PĐNB sau thời điểm chia tay TCVT. Anh chua chát nói một thực tế phũ phàng nhưng đúng và trúng tại bóng đá Việt Nam hiện tại: "Mọi người nói nhiều đến chuyện tiền bạc khi tôi sắp hết hạn hợp đồng. Thu nhập đúng là điều được cân nhắc với một cầu thủ chuẩn bị bước sang tuổi 27 như tôi, khi đứng trước bản hợp đồng đầu tiên trong sự nghiệp. Bạn bè cùng trang lứa đã ký một hay hai bản hợp đồng, còn với tôi mới chuẩn bị là bản hợp đồng đầu tiên. Vì thế chuyện cân nhắc là chắc chắn, ai trong hoàn cảnh của tôi có lẽ cũng nghĩ vậy thôi”.

Suy cho cùng, TCVT không sai khi muốn có quyền lợi thuộc về mình. Đức Chiến, Hoàng Đức hay bất cứ cầu thủ nào khác của Việt Nam cũng đành chấp nhận mang tiếng để tìm kiếm cho mình một nơi có chế độ đủ tốt. Bởi họ hiểu rằng tuổi đời cầu thủ không đủ dài để có thể nhận nhiều bản hợp đồng “nặng đô”, giúp bản thân và gia đình có cuộc sống sung túc.

Có trách, chúng ta phải hướng về cách chuyển nhượng khù khoằm và đầy rẫy bất ổn, vốn tồn tại suốt 25 năm qua của V-League.

Bài và ảnh: TRỊNH MỸ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.