Làm thế nào để tổ chức thành công một kỳ đại hội trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, vừa tạo được dấu ấn chuyên môn, vừa bảo đảm an toàn cho các lực lượng tham gia là vấn đề dư luận rất quan tâm. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao về vấn đề này.

Bà Lê Thị Hoàng Yến 

Chạy đua với thời gian

PV: Đến thời điểm hiện tại, khó khăn lớn nhất trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 là gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: Việt Nam có kinh nghiệm từng tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003, Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009 và Đại hội Thể thao bãi biển châu Á năm 2016. Song thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 đang đối mặt với những thách thức mới phát sinh. Do các địa phương trong danh sách tổ chức đại hội phải tập trung chống dịch nên ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo, sửa chữa các hạng mục thi đấu.

Tuy nhiên, Ban tổ chức đặt ra mục tiêu, chậm nhất đến tháng 4-2022, mọi công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, nhất là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng với tâm điểm là các địa điểm thi đấu sẽ phải hoàn tất, đưa vào vận hành thử. Hiện nay, tổ hợp thi đấu quần vợt tại Bắc Ninh đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Đường đua xe đạp ở Hòa Bình cũng đang tiến hành những hạng mục cuối cùng. Các công trình sửa chữa, nâng cấp tại Khu liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình và trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện.

Điều tôi lo lắng là thời gian đến ngày diễn ra SEA Games 31 đã cận kề, trong khi chúng ta vẫn còn khối lượng công việc rất lớn. Việc mua sắm trang thiết bị, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn bị lực lượng vận động viên thi đấu, vấn đề an ninh, giao thông, tình nguyện viên... mỗi lĩnh vực đều có khó khăn riêng. Dù thời gian không còn nhiều, nhưng tất cả những công việc đều phải thực hiện theo quy trình.

Ví dụ, việc mua sắm trang thiết bị phục vụ SEA Games 31 vẫn phải được đấu thầu công khai. Quy tắc phòng, chống dịch khiến việc vận chuyển các thiết bị từ nước ngoài về cũng gặp nhiều khó khăn. Đến nay, kinh phí tổ chức SEA Games 31 vẫn chưa được cấp, mà theo quy định, sau khi phân bổ kinh phí thì các việc liên quan mới có thể triển khai được. Thêm vào đó, chúng ta chưa biết thời điểm tháng 5-2022, dịch Covid-19 sẽ diễn biến thế nào và cũng chưa khẳng định được việc khán giả có được vào sân theo dõi các môn thi đấu hay không?

 Các vận động viên thi đấu Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021 để tranh suất dự SEA Games 31. Ảnh: NGỌC TÚ

PV: Thưa bà, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đến nay công tác truyền thông và vận động tài trợ SEA Games 31 đã được tiến hành như thế nào?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: SEA Games 31 đã có 3 nhà tài trợ kim cương và hiện đã hoàn thành mục tiêu vận động tài trợ được khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tiểu ban Vận động tài trợ vẫn phải tiếp tục vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác tổ chức đại hội do kinh phí hạn chế, phải tiết kiệm tối đa về mọi mặt.

Về công tác truyền thông, SEA Games 31 đã có bộ nhận diện, website, fanpage chính thức, logo, biểu tượng vui, khẩu hiệu: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”... Về bài hát chính thức của đại hội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có ý kiến lựa chọn, chúng tôi đang trình Ban tổ chức phê duyệt.

Trung tâm Báo chí và Trung tâm Truyền hình của SEA Games 31 dự kiến đặt tại nhà điều hành của Trường đua F1. Theo kế hoạch, đầu năm 2022, Ban tổ chức SEA Games 31 sẽ tổ chức Hội nghị truyền thông và truyền hình quốc tế lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến.

SEA Games 31 - cơ hội quảng bá hình ảnh, vị thế Việt Nam

PV: Theo tính toán, chúng ta cần khoảng 3.000 tình nguyện viên phục vụ quá trình tổ chức SEA Games 31. Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban tổ chức sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: Năm 2003, chúng ta tuyển chọn sinh viên các trường đại học tham gia phục vụ tổ chức SEA Games. Trong đó, sinh viên của các trường công nghệ hỗ trợ mảng công nghệ thông tin, sinh viên trường báo chí hỗ trợ truyền thông, sinh viên ngành ngoại giao hỗ trợ công tác lễ tân, sinh viên trường thể thao sẽ hỗ trợ tiểu ban chuyên môn kỹ thuật...

Tuy nhiên, tại SEA Games 31, chúng tôi sẽ mở rộng các đối tượng nhằm tuyển chọn tình nguyện viên. Không chỉ là sinh viên, tình nguyện viên có thể là cán bộ, công nhân viên tại Hà Nội và một số địa phương. Lâu nay, các quốc gia đăng cai SEA Games thường tuyển chọn tình nguyện viên là cán bộ, nhân viên đã nghỉ hưu và chúng ta hoàn toàn có thể mời gọi lực lượng này tham gia hỗ trợ tổ chức SEA Games 31.

PV: Chúng ta cần làm gì để khắc phục những khó khăn trên và tổ chức thành công SEA Games 31?

Bà Lê Thị Hoàng Yến: SEA Games là đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Bởi vậy, tổ chức SEA Games 31 không chỉ là trách nhiệm của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức mà rất cần sự ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân. SEA Games 31 là dịp để quảng bá hình ảnh, vị thế của Việt Nam, kích cầu du lịch... SEA Games là sân chơi tốt cho vận động viên thi đấu cọ xát, hướng tới thành tích tốt hơn ở ASIAD và Olympic.

Để tổ chức thành công SEA Games 31, rất cần sự quan tâm, chung tay góp sức của các cấp, ngành; đặc biệt là vận động viên-lực lượng chính tham gia mang đến những cuộc thi đấu hấp dẫn, kịch tính. Ngoài chuyên môn, khâu tổ chức, an ninh, quảng bá, an toàn giao thông cần được chú trọng thực hiện. Từng địa phương cùng chung tay làm cho nơi đăng cai tổ chức xanh-sạch-đẹp, không khói thuốc, không rác thải, hạn chế dùng đồ nhựa một lần, tạo nên hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

SEA Games 31 dự kiến khai mạc ngày 12-5 và kết thúc vào ngày 23-5-2022, tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận. Đại hội sẽ tổ chức 40 môn thi với 526 nội dung, thu hút khoảng 10.000 người tham dự. Trong thời gian diễn ra SEA Games 31, các vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ đoàn sẽ thường xuyên được xét nghiệm Covid-19. 

 

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)