Lễ họp báo, bốc thăm chia bảng Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 đã diễn ra ngày 31-8, tại TP Hồ Chí Minh. Ban tổ chức cho biết ngoài thi đấu bóng đá, bên lề giải đấu còn có “Ngày hội công nhân” với nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân như bán hàng giảm giá, bốc thăm trúng thưởng, tặng quà, tặng voucher mua hàng. Bên cạnh đó là các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, gặp gỡ các nghệ sĩ, cầu thủ nổi tiếng, tổ chức hoạt động kết nối tuyển dụng giữa doanh nghiệp và người lao động.

leftcenterrightdel

Ban tổ chức mong muốn giải đấu giúp công nhân cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Ảnh: KHÔI NGUYÊN 

Trước đó, vào chiều 28-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chính thức phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký vào lá cờ và quả bóng thi đấu của giải, chính thức phát động giải bóng đá quy mô lớn nhất dành cho công nhân Việt Nam. Lá cờ và quả bóng thi đấu của giải sau đó được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao cho ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Thế Chữ, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ và bà Nguyễn Thanh Hà, Phó tổng thư ký VFF.

Ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ trong buổi lễ ký kết giữa các đơn vị tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023: “Tôi thường nói với mọi người thế này: Đời sống người công nhân có 3 căn nhà. Một là căn nhà của cha mẹ, nơi họ lớn lên. Rồi sau đó là nhà máy và nhà trọ, nơi họ sinh sống sau này. Cuộc đời người công nhân vì thế cứ loanh quanh từ nhà trọ lại đến nhà máy, đầu tắt mặt tối cả ngày mà ít niềm vui. Chúng ta vì thế cần phải nỗ lực tạo thêm sân chơi, tạo thêm niềm vui cho công nhân”.

Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 sẽ bắt đầu với vòng loại ở 8 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Cần Thơ, từ ngày 8-9 đến 29-10. Khu vực thi đấu đầu tiên là Hải Phòng, diễn ra trong ba ngày 8, 9 và 10-9 tại sân vận động Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Khu vực Hà Nội đá vòng loại vào các ngày 15, 16 và 17-9, tại sân Trung tâm Thể dục thể thao quận Tây Hồ. Khu vực Nghệ An thi đấu vòng loại vào ngày 22, 23 và 24-9, trên sân Trường Đại học Vinh. Khu vực TP Hồ Chí Minh đá vòng loại vào ngày 6, 7 và 8-10, ở Trung tâm Thể dục thể thao Bình Thạnh... Mỗi khu vực sẽ có 8 đội thi đấu. Đội vô địch các khu vực giành quyền vào chơi vòng chung kết diễn ra tại Bình Dương vào ngày 10, 11 và 12-11.

Giải có tổng giải thưởng hơn 840 triệu đồng, trong đó đội vô địch khu vực nhận thưởng 20 triệu đồng. Ở vòng chung kết, đội vô địch nhận thưởng 150 triệu đồng, 100 triệu đồng cho đội hạng nhì và 60 triệu đồng cho đội hạng ba. Cùng với đó là giải phong cách trị giá 40 triệu đồng; giải “Cầu thủ xuất sắc”, “Vua phá lưới”, “Thủ môn xuất sắc”... với mức thưởng 10 triệu đồng mỗi giải.

Ngoài quy mô tổ chức, giải hứa hẹn hấp dẫn nhờ tính chuyên nghiệp với sự phối hợp của VFF. Hay ở chỗ VFF vừa ban hành Luật bóng đá sân 7 người và Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 sẽ là giải đấu đầu tiên luật này chính thức được áp dụng. Giải bóng đá công nhân toàn quốc được tổ chức nhằm khích lệ tinh thần, động viên công nhân, viên chức, lao động tham gia rèn luyện thân thể, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

NGUYỄN CÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.