Cụ thể, VFF bị AFC phạt 13.750 USD vì một quả pháo sáng đốt trong trận U.23 Việt Nam gặp U.23 Indonesia. Khi U.23 Việt Nam gặp U.23 Thái Lan, 3 quả pháo sáng và 1 chai nước ném xuống sân khiến VFF bị phạt 25.750 USD.

Tổng cộng, VFF phải nộp phạt 39.500 USD (gần 1 tỷ đồng). Đây là mức án rất nặng, cho thấy AFC muốn phạt nặng để làm gương. Trước đó, AFC đã phạt VFF 12.500 USD do CĐV Việt Nam có hành vi đốt pháo sáng trên khán đài trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc ở bán kết môn bóng đá nam ASIAD 18.

Với cổ động viên đốt pháo sáng rõ mặt như thế này, cần phải xử phạt thật nghiêm để làm gương. Ảnh: Vnexpress.

Lần nào trong án phạt, AFC cũng không quên nhắc VFF nếu để CĐV vi phạm thì sẽ phải nhận án phạt nặng hơn.

Đầu tháng này, trước tình trạng đốt pháo sáng diễn ra liên tiếp tại các trận đấu trong khuôn khổ V-League, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm những hành vi này. Để giải quyết triệt để hành vi đốt pháo sáng tại các trận đấu bóng đá, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có câu lạc bộ (CLB) tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia xem xét, chỉ đạo công an địa phương có biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng cung cấp pháo, tổ chức và đốt pháo sáng trong các trận đấu bóng đá. Bên cạnh đó, chỉ đạo ban tổ chức địa phương phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức giải để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khán giả tới xem và cổ vũ bóng đá.

Khoảng một tuần sau văn bản trên, vòng 8 V-League 2019, trận Viettel tiếp Sông Lam Nghệ An trên sân Hàng Đẫy, CĐV xứ Nghệ đốt pháo sáng nhưng đội Sông Lam Nghệ An chỉ bị Ban Kỷ luật VFF ra án phạt 20 triệu đồng. Ban tổ chức sân Hàng Đẫy cũng bị phạt 20 triệu đồng. Nếu chiếu theo Điều 68, Quy định về kỷ luật của VFF thì mức xử phạt 20 triệu đồng với CLB hoặc ban tổ chức sân là mức xử phạt nhẹ nhất với lỗi này.

Trước đó không lâu, ở vòng 4 V-League 2019, CĐV Nghệ An cũng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy. Ban Kỷ luật VFF phạt CLB Sông Lam Nghệ An 20 triệu đồng.

Nhưng nếu đối chiếu kỹ Điều 68 thì Ban Kỷ luật VFF đã ra án phạt “nhẹ tay” vì nếu vi phạm liên tục, kế tiếp trong nhiều trận đấu thì sẽ bị phạt từ 30 đến 70 triệu đồng.

Cũng có người hỏi sao Ban tổ chức sân Hàng Đẫy chỉ bị phạt 20 triệu đồng, chứ không phải là 70 triệu đồng như lần trước? Ở đây Ban Kỷ luật VFF lý giải: Lần trước ở trận Hà Nội gặp Hải Phòng để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng, đã kỷ luật Ban tổ chức sân của CLB Hà Nội. Còn lần này là phạt Ban tổ chức sân của CLB Viettel.

Vì sao vấn nạn đốt pháo sáng không giảm dù các bộ, ngành, các bên liên quan đã vào cuộc tích cực? Có lẽ chúng ta vẫn thiếu một chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe với các CĐV quá khích. Việc đốt pháo sáng ở trong và ngoài sân vận động khiến nhiều người liên tưởng đến việc đốt pháo ở quê vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Cấm pháo từ lâu nhưng mỗi dịp đầu xuân năm mới, xác pháo vẫn đỏ rực ở một số địa phương, dù trước đó đã ký giấy cam kết không đốt pháo trong dịp Tết. Chúng ta làm không nghiêm, làm nửa vời nên Tết vẫn đỏ xác pháo và ở V-League, pháo sáng vẫn đỏ rực khán đài.

Có lẽ trong tương lai, cần lắm một chỉ thị về việc cấm đốt pháo sáng ở những địa điểm công cộng, sân vận động, công sở… Bằng không, vấn nạn đốt pháo sáng trong sân vận động khó mà xử lý triệt để. Bên cạnh đó, ban tổ chức các sân cần lắp thêm hệ thống camera, thuê thêm nhiều lực lượng an ninh để tổ chức trận đấu tốt hơn. CĐV nào đốt pháo sáng cần có chế tài xử phạt thật nặng (cấm đến sân vận động, phạt lao động công ích...) để làm gương, vừa mang tính răn đe nhưng cũng vừa mang tính giáo dục.

Lần này, AFC vẫn phạt tiền VFF. Sắp tới, ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, nếu VFF tiếp tục để xảy ra tình trạng CĐV đốt pháo sáng trong sân, AFC nhiều khả năng sẽ ra một án phạt nặng bội phần với VFF.

TRUNG GIANG