Khát vọng cống hiến

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) những ngày tổ chức môn điền kinh SEA Games 31 thường mưa vào buổi chiều, ảnh hưởng đến kỹ thuật chuyên môn và khiến đường chạy trơn trượt. Tuy nhiên, tất cả những điều kiện bất lợi trên đã không làm ảnh hưởng đến ý chí thi đấu, khát khao chiến thắng của các vận động viên (VĐV). Trên đường chạy 5.000m, tuyển thủ quân đội Nguyễn Văn Lai cán đích đầu tiên để giành huy chương vàng (HCV) với thông số 16 phút 34 giây 12. Sự áp đảo của chân chạy này còn thể hiện ở hình ảnh giơ tay chào khán giả trước khi về đích.

Hai ngày sau, trên đường chạy 10.000m nam, vẫn là Nguyễn Văn Lai với màn bứt tốc ngoạn mục để giành HCV. Anh hoàn thành phần thi trong khi đối thủ San Naing (Myanmar) vẫn còn hai vòng sân chưa chạy. Nguyễn Văn Lai đã bước sang tuổi 36, độ tuổi mà hầu hết các VĐV điền kinh đã giải nghệ hoặc không duy trì được phong độ đỉnh cao. Nể phục Nguyễn Văn Lai, San Naing đã vỗ tay chúc mừng. Trong khi đó, chân chạy người Timor Leste Felisberto de Deus sau khi giành huy chương bạc nội dung 10.000m đã cầm cờ của quốc gia mình cùng quốc kỳ Việt Nam chạy khắp sân để ăn mừng và cảm ơn sự cổ vũ của người hâm mộ nước chủ nhà.

Khát khao cống hiến, nỗ lực chinh phục đỉnh cao vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc đã khiến nhiều VĐV Việt Nam vượt qua chính mình. Hình ảnh nhà vô địch Olympic J.Schooling với gương mặt thất thần khi đội tuyển bơi Singapore về sau đội tuyển bơi Việt Nam tại nội dung 4x200m tiếp sức nam là minh chứng. Đáng nói, tại nội dung này, các kình ngư: Kim Sơn, Huy Hoàng, Quý Phước, Hưng Nguyên đã cán đích đầu tiên với thông số 7 phút 16 giây 31 trong sự vỡ òa hạnh phúc của người hâm mộ có mặt tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Huỳnh Thị Kim Vàng (bên trái) vượt qua nỗi đau mất người thân để giành huy chương vàng SEA Games 31.Ảnh: NHƯ Ý

Đánh giá về màn trình diễn của các tuyển thủ Việt Nam tại SEA Games 31, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 khẳng định: “Sau SEA Games 22 năm 2003, thể thao Việt Nam đã định vị được tên tuổi, giá trị tại Đông Nam Á. Chúng ta hướng tới SEA Games 31 với một tâm thế, vị thế khác. Suốt gần 20 năm qua, hệ thống đào tạo, tuyển chọn VĐV của thể thao Việt Nam tương đối ổn, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của các môn thể thao Olympic. Sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức và sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo cổ động viên đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các VĐV, để đoàn thể thao Việt Nam tự hào khép lại đại hội với 205 HCV, 125 huy chương bạc, 116 huy chương đồng”.

Vượt lên nỗi đau

Vỡ òa cảm xúc sau khi giành HCV nhưng những giọt nước mắt của nhà vô địch hạng 65kg nữ môn kickboxing Huỳnh Thị Kim Vàng là để tưởng nhớ hai người chị ruột qua đời trong đại dịch Covid-19. Với các nhà chuyên môn, tấm HCV của Kim Vàng là bất ngờ, thú vị khi võ sĩ sinh năm 1999 này mới lần đầu tham dự SEA Games và phải đối mặt với các đối thủ rất mạnh từ Philippines. Nhưng với khát khao thi đấu hết mình, đạt thành tích cao thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ đến hai người chị quá cố, Kim Vàng đã khiến tất cả phải ngả mũ khâm phục. Chia sẻ với chúng tôi, Kim Vàng òa khóc: “Trong thời gian tập trung đội tuyển quốc gia trước thềm SEA Games 31, hai chị ruột của em đã mất vì Covid-19. Lúc ấy, em đã có ý nghĩ xin rời đội tuyển để về bên mẹ. Nhưng với sự động viên của các thầy, em đã chọn ở lại đội tuyển và gia đình cũng ủng hộ quyết định của em. Em muốn dành tặng chiến thắng này cho tất cả các thành viên trong gia đình, đặc biệt tới hai chị của em”.

Sau khi trở thành VĐV đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam giành HCV SEA Games, đôi mắt của võ sĩ Tô Thị Trang (đội tuyển kurash Việt Nam) đượm buồn khi nghĩ về gia đình. Nhiều năm qua, bố của Trang thường xuyên đau ốm, gánh nặng cuộc sống đè lên vai mẹ cùng các con. Ngay trong đêm sau khi bước lên bục cao nhất nhận HCV, Tô Thị Trang đã tức tốc vào bệnh viện để thăm bố đang nguy kịch. Gia đình giấu thông tin, muốn Trang tập trung thi đấu, mang thành tích về cho thể thao nước nhà, đáp ứng niềm mong mỏi của bố. Trong cơn hôn mê sâu, chỉ vài tiếng sau khi Trang đến bên giường bệnh, bố Trang đã trút hơi thở cuối cùng. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Tuấn Học, huấn luyện viên trưởng đội tuyển kurash Việt Nam cho biết: “Bố của Trang bị suy thận, thường xuyên phải ở bệnh viện. Mong ước của bố Trang là được thấy con gái thành công khi theo đuổi đam mê thể thao. Trước khi SEA Games 31 khởi tranh, Trang đã đặt quyết tâm giành HCV để mang về tặng bố. Tôi khâm phục tinh thần, ý chí quyết thắng của Trang”.

Trong thời gian tác nghiệp môn pencak silat tại Nhà thi đấu quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi rất ấn tượng với tinh thần vượt khó của võ sĩ Trần Đình Nam. Từng vô địch thế giới và ASIAD, nhưng Đình Nam vẫn chưa có duyên với đấu trường SEA Games. Võ sĩ của Việt Nam vuột HCV ở SEA Games 2015, 2017 một phần vì bị trọng tài xử ép. Tại SEA Games 2019, chủ nhà Philippines không đưa hạng cân của Đình Nam vào thi đấu. Bởi vậy, khi SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, mặc dù đang gặp chấn thương nhưng Đình Nam vẫn nén đau thi đấu và xuất sắc giành HCV hạng 70-75kg nam. “Trước khi SEA Games 31 bắt đầu, tôi bị lật cổ chân. Đầu năm vừa rồi, các bác sĩ khuyên tôi nên đi mổ, nhưng tôi quyết tâm thi đấu đến cùng. Đoạt HCV rồi, sắp tới tôi sẽ lên bàn mổ. Chấn thương của tôi rất nặng rồi”, võ sĩ Trần Đình Nam chia sẻ.

Trong thi đấu thể thao, chiến thắng đâu chỉ là những tấm huy chương. Đó còn là cả quá trình rèn luyện mà các VĐV phải đánh đổi cả thời gian, sức khỏe và đôi khi là cả mạng sống. Võ sĩ Nguyễn Văn Phương bất ngờ bị chấn thương khi đang thực hiện bài thi thái cực quyền nam (wushu), bỏ lỡ cơ hội giành huy chương. Chân chạy Đinh Thị Bích bị ngã, dính chấn thương nhưng vẫn từng bước tiến về đích, hoàn thành phần thi 800m nữ trước khi được đội ngũ y tế đưa lên xe cứu thương... Các VĐV kể trên không phải là những người chiến thắng trong cuộc thi, nhưng tinh thần vì thể thao cao thượng, vì màu cờ sắc áo của họ đã ghi dấu trong lòng người hâm mộ. 

 Ông Mohamad Yusly, Trưởng đoàn thể thao Brunei: “Việt Nam có tiềm năng tổ chức Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD). Các bạn có lực lượng để tổ chức công tác hậu cần vô cùng tốt; các địa điểm thi đấu, cơ sở vật chất, dụng cụ thi đấu và phương tiện di chuyển, tất cả mọi thứ đều tốt. Tôi nghĩ các bạn hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa nếu như được tổ chức ASIAD. Trước đây, tôi đã từng qua Việt Nam du lịch, cụ thể là đến TP Hồ Chí Minh. Sau SEA Games 31, tôi sẽ đưa gia đình đi du lịch ở Việt Nam”.

 

HÀ HÙNG TRƯỞNG