Chơi đẹp để cùng phát triển
Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội) chứng kiến sự áp đảo hoàn toàn của các vận động viên (VĐV) Malaysia tại môn nhảy cầu, khi giành trọn 8 huy chương vàng (HCV). Theo dõi các VĐV Việt Nam bị lép vế trước đối thủ, nhiều khán giả có mặt trên khán đài đã sốt ruột và băn khoăn: “Tại sao Việt Nam lại tổ chức môn nhảy cầu?”.
SEA Games 30, chủ nhà Philippines chỉ tổ chức 4 nội dung thi đấu môn nhảy cầu và đội tuyển Malaysia cũng giành trọn 4 HCV. Nhìn lại lịch sử các kỳ tổ chức SEA Games, nước chủ nhà thường sẽ đưa vào nhiều môn “lạ” là thế mạnh của họ, đồng thời giảm những nội dung thi đấu là sở trường của đối thủ nhằm bảo đảm cho việc giành huy chương. Tuy nhiên, SEA Games 31 đã xóa bỏ tâm lý “ao làng”. Nhảy cầu được chủ nhà Việt Nam tổ chức tới 8 nội dung thi đấu bởi đây là môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic.
Có một điều ấn tượng là trong suốt những ngày diễn ra SEA Games 31, báo chí khu vực và quốc tế đều ngợi ca tinh thần trách nhiệm, fair-play (chơi đẹp) của chủ nhà Việt Nam trong nỗ lực tổ chức kỳ đại hội an toàn, đoàn kết để cùng nhau bứt phá. Không có chuyện các quốc gia khu vực tố chủ nhà "dùng chiêu trò", "chèn ép đối thủ" để giành lợi thế. Có chăng, việc góp ý đến từ công tác hậu cần, đưa đón đoàn, bố trí ăn nghỉ đôi lúc vẫn chưa thật khoa học.
 |
Chân chạy Felisberto de Deus (Timor Leste) cầm cờ Việt Nam ăn mừng, sau khi giành huy chương bạc nội dung 10.000m.Ảnh: SƠN TÙNG |
Tinh thần fair-play của chủ nhà Việt Nam đã lan tỏa tới nhiều đoàn thể thao khác. Tiêu biểu là trường hợp kình ngư Jonathan Jin Tan mắc lỗi xuất phát, khiến đội tuyển 4x400m tiếp sức nam Singapore dù sở hữu nhà vô địch Olympic J.Schooling trong đội hình cũng không thể giành HCV. Người bắt lỗi Jonathan Jin Tan là trọng tài Singapore. Tại môn pencak silat, trọng tài Indonesia đã trừ 10 điểm của võ sĩ đến từ quê nhà K.Mustakim do phạm lỗi, khiến tấm HCV thuộc về võ sĩ Malaysia B.Azhar.
Giá trị Olympic, tinh thần thể thao cao thượng mới là yếu tố quyết định đến chiến lược, sự phát triển mỗi nền thể thao quốc gia. Sinh thời, PGS, TS Hoàng Vĩnh Giang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh khi trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Muốn đánh giá về một nền thể thao thì hãy xem quốc gia đó giành được bao nhiêu HCV Olympic”. Sở dĩ, lâu nay Đông Nam Á vẫn bị xem là vùng trũng của thể thao thế giới bởi khi thi thố tại sân chơi Olympic, vẫn còn có khoảng cách so với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... Thể thao Việt Nam mới giành được 1 HCV nhờ công xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Trong khi đó, dù có sự đầu tư lớn cho thể thao nhiều năm qua, song số lượng HCV Olympic của Thái Lan, Singapore hay Indonesia, Philippines, Malaysia cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong suốt thời gian dài, đấu trường SEA Games chưa thật fair-play bởi nhiều nước tổ chức theo tâm lý gom huy chương. SEA Games 31 đã tạo ra cuộc cách mạng trong tư duy của những nhà quản lý, để nền thể thao khu vực có sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực cùng nhau đoàn kết để phát triển.
Nói không với mánh khóe, chiêu trò
Trong các kỳ SEA Games trước đây, mỗi khi nước chủ nhà thông báo các môn thi đấu ở đại hội thì đa phần các đoàn đều lên tiếng phản đối, nhiều khi việc thống nhất môn thi đấu đi vào bế tắc. Nhưng riêng kỳ SEA Games 31, khi chủ nhà Việt Nam đưa ra chương trình thi đấu với 40 môn, đa phần nằm trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD thì đã nhanh chóng nhận được sự nhất trí cao. Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 nhắc đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi thăm các huấn luyện viên (HLV), VĐV tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội vào tháng 4-2022, rằng: “Thể thao Việt Nam không tự tạo áp lực cho mình, khả năng đến đâu thi đấu đến đó. Tất cả trọng tài làm việc tại SEA Games lần này phải công bằng nhất, vô tư, khách quan nhất để đánh giá đúng thành tích các VĐV. Mỗi VĐV hãy nỗ lực để đạt kết quả cao nhất có thể tại SEA Games 31. Có huy chương thì càng tốt nhưng nếu không có cũng không sao, miễn là đã cống hiến tối đa năng lực của mình”.
Theo ông Trần Đức Phấn, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính như khẩu hiệu nhắc nhở ngành thể thao Việt Nam suốt hành trình chuẩn bị và điều hành SEA Games 31: “Quan điểm của chúng tôi là không dùng chiêu trò, mánh khóe để lấy huy chương bằng mọi giá. Thể thao Việt Nam muốn đánh giá đúng năng lực trong chiến lược chuyển hướng sang các môn Olympic. Bây giờ, chúng ta phải đầu tư VĐV cho Olympic đầu tiên, với mục tiêu cạnh tranh huy chương Olympic trong 1-2 chu kỳ. SEA Games 31 được tổ chức giống như một kỳ Olympic thu nhỏ”.
Đại hội Thể thao Đông Nam Á kỳ này được xem là bước ngoặt để thay đổi tư duy “bệnh thành tích” trong cách điều hành và tổ chức của các nước chủ nhà tiếp theo. Nhiều lần tham dự SEA Games nên ông Phan Quốc Vinh, HLV đội tuyển wushu Việt Nam không lạ gì những “kỹ xảo” của nước chủ nhà. HLV Phan Quốc Vinh nhớ lại: “SEA Games 30 năm 2019, võ sĩ tán thủ hạng 52kg Vũ Minh Đức thi đấu vượt trội so với đối thủ người Philippines nhưng cuối cùng vẫn không được trọng tài công nhận chiến thắng. Tại SEA Games 28 năm 2015, nhiều võ sĩ wushu Việt Nam dù tấn công giành điểm nhưng không được ghi nhận, những lỗi tưởng như bình thường thì lại bị trọng tài trừ điểm. Gặp trường hợp như thế, chúng tôi phải thay đổi chiến thuật. Thay vì sử dụng những đòn đấm, đá, võ sĩ sẽ dùng đòn vật, bởi cứ quật ngã đối thủ xuống sàn thì trọng tài không có cớ gì để không cho điểm”.
Tại SEA Games 31, wushu tán thủ Việt Nam tham dự 8 hạng cân nam, nữ và xuất sắc giành 6 HCV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, wushu tán thủ lại giành HCV nhiều hơn các nội dung wushu biểu diễn. Đặc biệt, những chiến thắng của các võ sĩ Việt Nam đều khiến nhiều đối thủ phải tâm phục khẩu phục. Khi được hỏi về môi trường cạnh tranh lành mạnh tại SEA Games 31, HLV Phan Quốc Vinh tự hào: “Các trọng tài quốc tế tham gia điều hành môn wushu SEA Games 31 đã phản hồi rằng, họ làm nhiệm vụ theo đúng luật thi đấu mà không phải chịu bất kỳ sức ép nào như các kỳ SEA Games trước đây”. Công tác trọng tài, điều hành tại đại hội minh bạch, khách quan, công tâm đã giúp các tuyển thủ yên tâm thi đấu, cống hiến hết mình trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ, để tạo ra những khoảnh khắc chiến thắng tuyệt vời.
Ông Trần Đức Phấn cho hay: “Có nhiều người hỏi tôi vì sao Việt Nam giành nhiều HCV ở SEA Games 31 thế? Giành nhiều thế rồi ai chơi cùng? Tôi xin khẳng định thành tích là của VĐV, không phải do lãnh đạo sắp xếp. Các VĐV cứ thi đấu hết mình và giành huy chương nếu có thể. Không thể có chuyện họ xứng đáng giành HCV mà lại bị tác động để chỉ được HCB. Làm thể thao, chúng tôi không thể làm thế”.
|
HÀ HÙNG TRƯỞNG