PV: Thưa ông, trước đây Việt Nam đã tổ chức thành công khá nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. SEA Games 31 có thể được coi là sự kiện quốc tế quan trọng đầu tiên trực tiếp diễn ra tại Việt Nam sau quá trình dịch Covid-19 kéo dài. Đến thời điểm này số lượng phóng viên nước ngoài tham gia và đã đến Việt Nam để đưa tin về SEA Games 31 là bao nhiêu người?
Ông Đoàn Khắc Việt: Sự kiện Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 lần này là sự kiện quốc tế, đa quốc gia với quy mô rất lớn, lần đầu tiên sau đại dịch được trực tiếp tổ chức ở nước ta. Ban tổ chức, gồm nhiều bộ, ngành tham gia. Chúng tôi cũng xác định ngay trọng tâm nhiệm vụ rất quan trọng của kỳ SEA Games lần này, đặc biệt khi sự kiện diễn ra trong bối cảnh sau đại dịch, chúng ta vừa dỡ bỏ các hạn chế đi lại, vừa mở cửa trở lại để thu hút bạn bè quốc tế đến cũng như du khách quốc tế đến để phục hồi kinh tế. Do đó, chúng tôi xác định đây là cơ hội rất quan trọng, vừa tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, nhất là trong khối ASEAN, vừa là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh tốt đẹp, thân thiện, những phong cảnh đẹp của Việt Nam đối với bạn bè năm châu.
 |
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt. Ảnh minh họa: TTXVN |
Phóng viên nước ngoài đăng ký đến tham gia đưa tin sự kiện lần này cũng không hề ít, mặc dù thời gian diễn ra chuẩn bị rất ngắn. Chúng tôi chỉ có hơn 1 tháng để chuẩn bị mọi công việc; tất nhiên là rất nhiều tiểu ban đồng hành để cùng "chạy" chương trình này. Riêng về góc độ của Tiểu ban Thông tin và Truyền thông, chúng tôi đã mở và nhận được đăng ký của phóng viên nước ngoài vào Việt Nam đưa tin bao gồm 10 nước Đông Nam Á cũng như các quốc gia khác ngoài khu vực. Theo con số thống kê, đến nay, chúng tôi đã cấp phép đăng ký cho khoảng gần 500 phóng viên nước ngoài, hầu hết là đăng ký qua Ủy ban Olympic quốc gia; một bộ phận đăng ký trực tiếp qua kênh của website ban tổ chức.
PV: Với số lượng phóng viên nước ngoài khá lớn, phải đảm bảo ăn ở, đi lại, tạo thuận lợi nhất, tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao có gặp khó khăn gì không? Việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phóng viên tác nghiệp như thế nào?
Ông Đoàn Khắc Việt: Thời gian chuẩn bị, tiếp nhận đăng ký cũng như cấp phép, cấp thẻ cho phóng viên tác nghiệp, tất nhiên là do thời gian quá gấp và yếu tố nữa là sau đại dịch, do đó chúng ta có một số quy định được điều chỉnh để sao cho phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên. Về phía Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức, nhất là Tiểu ban Thông tin và Truyền thông. Chúng tôi trực tiếp tham mưu, tư vấn cho tiểu ban để thành lập trung tâm báo chí, kiểm tra, giám sát cũng như vận hành trung tâm báo chí này để sớm đưa trung tâm báo chí vào hoạt động kịp thời, phục vụ nhu cầu đưa tin của phóng viên trong nước và ngoài nước.
PV: Việc chuẩn bị và vận hành trung tâm báo chí sẽ như thế nào?
Ông Đoàn Khắc Việt: Bộ Ngoại giao có nhiều đơn vị cùng tham gia hỗ trợ ban tổ chức và sau khi nhận được yêu cầu của Ban tổ chức đại hội lần này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và lãnh đạo bộ trực tiếp chỉ đạo thành lập ngay nhóm giúp việc hỗ trợ ban tổ chức bao gồm nhiều đơn vị trong bộ. Ví dụ như Vụ Thông tin báo chí, Cục Lãnh sự, Cục Lễ tân nhà nước, Vụ ASEAN, Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO... Tất cả chúng tôi, mỗi lĩnh vực, mỗi chuyên môn đều tham gia vào ban tổ chức. Về góc độ của Vụ Thông tin báo chí, chúng tôi cũng thường xuyên họp cùng với ban tổ chức, nhất là Tiểu ban Thông tin và Truyền thông để tư vấn, tham mưu, để thành lập Trung tâm báo chí và đưa vào vận hành kịp thời cho ngày khai mạc hôm nay.
 |
Cắt băng khai trương Trung tâm báo chí chính và Trung tâm truyền hình quốc tế. Ảnh: VGP/Tâm Anh |
PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội truyền thông và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới thông qua việc tổ chức SEA Games 31, nhất là hiện nay chúng ta đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19?
Ông Đoàn Khắc Việt: Đây là cơ hội rất lớn và quý báu cho chúng ta. Vì sau thời gian khá dài chịu ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta có rất ít cơ hội để đón các bạn bè quốc tế, nhất là báo chí các nước đến trực tiếp tham quan, tham dự các sự kiện và trải nghiệm cuộc sống cũng như tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam. Đây là dịp để qua đó truyền tải những hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trong nỗ lực mở cửa và quyết tâm phục hồi sau đại dịch.
PV: Ngoài tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp SEA Games 31 theo chương trình, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan có tổ chức thêm các chương trình để phóng viên nước ngoài có thể tìm hiểu Việt Nam và Hà Nội cũng như các tỉnh đăng cai tổ chức các bộ môn thi đấu không, thưa ông?
Ông Đoàn Khắc Việt: Với vai trò là một thành viên trong ban tổ chức, chúng tôi tham mưu cho ban tổ chức, nhất là Tiểu ban Thông tin và Truyền thông; phối hợp với các bộ, ngành, ví dụ như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng liên hệ với các địa phương liên quan diễn ra các sự kiện thể thao. Các bên nỗ lực tổ chức nhiều tour du lịch miễn phí để đưa phóng viên ngoài thời gian tác nghiệp nếu có điều kiện có thể đi tham quan những danh lam thắng cảnh đặc sắc ở các địa phương.
Đến nay, chúng tôi đã nhận được thông tin của rất nhiều địa phương đăng ký tổ chức chương trình tham quan miễn phí cho phóng viên nước ngoài, nhất là Quảng Bình. Tỉnh Quảng Bình hôm nay giới thiệu ngay tại lễ khai mạc Trung tâm báo chí chương trình tham quan như thăm hang Sơn Đoòng và các danh lam thắng cảnh khác của tỉnh.
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Trung tâm Hội nghị quốc gia trong việc chuẩn bị và vận hành Trung tâm báo chí SEA Games 31?
Ông Đoàn Khắc Việt: Chưa đầy một tháng, cụ thể vào ngày 28-4 chúng tôi mới nhận được quyết định thành lập Trung tâm báo chí. Tất nhiên trước đó chúng tôi đã có sự chuẩn bị. Tuy thời gian gấp như vậy nhưng chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực và chuyên nghiệp của Trung tâm Hội nghị quốc gia. Thiết lập một trung tâm báo chí quốc tế lớn, phục vụ hơn 2.000 phóng viên trong nước và quốc tế đòi hỏi không gian làm việc, trang thiết bị rất lớn, đồng bộ, kịp thời. Trung tâm hội nghị quốc gia đã tích cực hỗ trợ chúng tôi trong việc đáp ứng, tạo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
PHƯƠNG MINH (ghi)