Cùng đi chợ, cùng nấu cơm, cùng bàn công việc

Đêm mùa hè tĩnh mịch tại Hà Nội, ngày 9-8-2023, trăng cũng khuyết gần 3/4 như cách đây vài tuần tại New Zealand. “Chúng ta sang đây khi trăng khuyết và sẽ về Việt Nam vào ngày rằm”, Hương Quỳnh, MC của Truyền hình Quốc hội Việt Nam thốt lên chắc nịch như vậy trong ngày đầu tiên tới đất nước mà người ta vẫn ví von là mảnh đất cuối cùng mà con người đặt chân đến.

Quả thực, đi xa mới thấy nhớ nhà. Hành trình gần 20 tiếng ngồi máy bay, di chuyển qua nhiều sân bay và quá cảnh tại vài thành phố khiến cảm xúc ấy càng trở nên mãnh liệt. Thời gian ấy, chúng tôi đếm từng ngày để trở về Hà Nội thân yêu, nơi có gia đình luôn dang tay đón chờ với những bữa cơm ấm cúng.

leftcenterrightdel

Tác giả (thứ hai, từ trái sang) đã có chuyến tác nghiệp đầy ắp kỷ niệm tại World Cup nữ 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ngày đầu tiên, TP Auckland đón tôi cùng 3 thành viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam trong một đêm đông lạnh lẽo ở ngưỡng 5oC. Chúng tôi chỉ nghĩ đến một chiếc nệm cùng chăn ấm, hay chí ít cũng là một chiếc sofa đủ dài để bất cứ ai cũng có thể ngả lưng sau nhiều tiếng phải ngủ ngồi trên ghế máy bay. Thật may, khu ký túc mà chúng tôi thuê tại Auckland có đủ những thứ cơ bản như thế.

Một giấc ngủ dài kéo chúng tôi về với năng lượng đúng nghĩa của phóng viên hiện trường. Những chiếc ba lô nặng gần 10kg được tôi cùng Nguyễn Thắng, quay phim của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, thường xuyên vác trên vai.

Hành trình tác nghiệp bằng những chuyến xe công nghệ đến sân tập, sân thi đấu của đội tuyển nữ Việt Nam cũng diễn ra bon bon như bất cứ chuyến công tác nào mà tôi hay các đồng nghiệp đã được trải nghiệm.

New Zealand hơn Việt Nam tới 5 tiếng đồng hồ. Khi chúng tôi xách ba lô ra sân thì tại Hà Nội, trời vẫn còn nhập nhoạng tối. Khi chúng tôi kết thúc công việc hằng ngày thì người thân vẫn đang trong guồng quay của giờ hành chính. Những cuộc trò chuyện xa nhà bằng cuộc gọi video cũng vì thế mà “tắc bụp”, khó đồng bộ nhịp sinh học với nhau. Thôi thì cả nhóm động viên nhau bằng những câu chuyện bên bàn ăn, hay mỗi dịp đi chợ, nấu nướng, giặt giũ.

Từ những người xa lạ, không biết gì về nhau trên Facebook hay đời thường khi còn ở Việt Nam, chúng tôi bắt đầu trở thành những người bạn, cùng nhau trao đổi khó khăn và bàn bạc về công việc, lộ trình tác nghiệp xoay quanh đội tuyển nữ Việt Nam. Dần dà, nhóm chúng tôi... ít nhìn lên mặt trăng hơn, bởi hành trình tác nghiệp của cả nhóm ngày một nhiều và mừng nhất là công việc hết sức trôi chảy. Nỗi nhớ nhà cũng tạm gác lại một bên.

Tìm phòng, bất ngờ ở biệt thự hạng sang

Hành trình tác nghiệp World Cup nữ 2023 khác hoàn toàn so với những gì tôi được trải nghiệm ở World Cup 2022 tại Qatar hay SEA Games, AFF Cup, bởi 3 trận đấu của thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung diễn ra ở 3 thành phố khác nhau, trải dài từ đảo Bắc xuống đảo Nam của New Zealand.

Sau gần một tuần lễ ở Auckland, nhóm chúng tôi tiếp tục phải di chuyển tới Hamilton-thành phố mà đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu trận thứ hai gặp Bồ Đào Nha ở vòng bảng.

Tất cả lại tìm kiếm phòng ở quanh thành phố. Để rồi, Mỹ Linh-một thành viên trong nhóm rất giỏi việc lên kế hoạch và phương án chi tiêu-tình cờ tìm được sự hỗ trợ đến từ một Việt kiều, thông qua nhóm cộng đồng người Việt ở New Zealand.

Phùng Linh, cô gái Việt kiều có gần 15 năm sinh sống ở Hà Nội trước khi theo gia đình sang New Zealand định cư, nhiệt tình đến mức chúng tôi có nằm mơ cũng không nghĩ tới. Không chỉ hỗ trợ trong việc đặt giúp nhóm phóng viên xe khách di chuyển từ Auckland đến Hamilton (quãng đường hơn 200km), Phùng Linh cùng người bạn của cô còn sẵn lòng đón chúng tôi ở bến xe khi trời đã nhá nhem tối. Đó chưa phải là tất cả những bất ngờ mà tôi hay nhóm đồng nghiệp trải qua. Bởi căn biệt thự nơi Phùng Linh ở đủ khiến chúng tôi phải “mắt chữ A, miệng chữ O”. Nó quá lớn, quá tiện nghi mà trước giờ, trong nhiều năm tác nghiệp ở nước ngoài, tôi chưa bao giờ có dịp được trải nghiệm.

Câu chuyện ở Hamilton còn là những bữa ăn với những Việt kiều sinh sống tại đây, đa số là du học sinh từ Việt Nam sang New Zealand định cư. Nhờ sự ham học, tìm tòi và chịu khó, tất cả đều có cuộc sống đủ đầy, thịnh vượng. Điều giá trị hơn hết là ngay cả khi thành đạt tại New Zealand, không ai quên nguồn cội của mình.

Phùng Linh vẫn tranh thủ kỳ nghỉ để trở về Việt Nam thăm gia đình mỗi năm một lần. Anh Thịnh, hàng xóm của Phùng Linh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, người sở hữu một tiệm nail hoành tráng ở Hamilton cùng căn biệt thự lên đến hơn 40 tỷ Việt Nam đồng, cũng thường xuyên về nước.

Cho đến nay, các con anh đều nói sõi tiếng Việt. Bản thân anh cũng luôn tâm niệm về việc tạo điều kiện hết sức có thể cho những người Việt Nam sang New Zealand làm việc, công tác hay sinh sống, bởi nói như anh Thịnh: “Đó là máu đỏ, da vàng và tôi là người Việt Nam...!”.

TRÍ CÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.