Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về tái cơ cấu doanh nghiệp, thời gian qua, Tổng Công ty (TCT) 28 đã xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, với mục tiêu “đảm bảo sự phát triển bền vững các lĩnh vực kinh doanh phù hợp với bối cảnh kinh doanh mới”, trong đó tập trung vào một số vấn đề then chốt, đó là: Cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh theo hướng trọng tâm vào lĩnh vực dệt may, xăng dầu, bất động sản; thực hiện thoái vốn các dự án đầu tư ngoài ngành, hiệu quả thấp và khó kiểm soát. Quy hoạch lại hoạt động kinh doanh dệt may, xăng dầu, bất động sản, thời trang. Đầu tư, tài trợ vốn, phát triển khoa học công nghệ; phát triển thương hiệu, hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường, mở rộng thị phần trong và ngoài nước. Cơ cấu lại tổ chức, phát triển nguồn nhân lực...

Tổng công ty 28 chủ động nguồn sợi phục vụ hoạt động dệt may. Ảnh: HỒNG QUANG

Thực hiện Đề án trên, từ năm 2013-2015, TCT 28 đã tiến hành tổ chức sắp xếp lại ngành nghề kinh doanh. Đến nay, TCT chỉ giữ lại 3 ngành kinh doanh chính là dệt may, bất động sản, xăng dầu; thực hiện loại khỏi hoạt động các ngành nghề tuy đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa triển khai như: Sản xuất giày, dép, vali, túi xách; sản xuất và chế biến các sản phẩm từ gỗ; gia công cơ khí và sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực hoạt động; chú trọng nghiên cứu các chương trình, dự án phát triển công nghệ sản xuất vải pha len, TR, TC, 100% cotton theo hướng nâng cao chất lượng (đảm bảo độ đồng màu, bền màu, đẹp, tiện dụng hơn và phù hợp với yêu cầu huấn luyện, tác chiến, công tác của bộ đội và công an). Thực hiện quy hoạch các sản phẩm chủ lực cho các xí nghiệp ngành dệt; chuyên môn hóa sản xuất vải 100% cotton, vải đồng phục, len, pha len. TCT đã triển khai hợp tác với Công ty Sotoh (Nhật Bản) đầu tư hệ thống thiết bị đồng bộ sản xuất, hoàn tất vải len và pha len; cuối năm 2014 đã cơ bản thực hiện đào tạo và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ kỹ sư, công nhân của Xí nghiệp dệt, nhuộm. Đối với lĩnh vực may, TCT giao cho Xí nghiệp May đo đảm nhận vai trò chủ đạo trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, đảm bảo quân trang cho bộ đội, cung cấp vải và may hàng quân trang dân quân tự vệ cho một số quân khu, bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố). Hằng năm TCT đã đảm bảo đủ số lượng, kịp thời gian và chất lượng tốt các quân trang, trang phục phục vụ các nhiệm vụ huấn luyện, tác chiến và công tác của bộ đội, nhất là quân trang cho các lực lượng làm nhiệm vụ A60, A40, A70. Đồng thời quy hoạch sản phẩm chủ lực cho từng đơn vị sản xuất hàng kinh tế, cụ thể: Công ty 28-1 chuyên sản xuất comple nam chất lượng cao; Công ty CP 28 Bình Phú, Hưng Phú sản xuất áo sơ mi nam, nữ cao cấp; Công ty CP 28 Đà Nẵng, Quảng Ngãi sản xuất đồng phục chất lượng cao. Đồng thời từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh từ gia công, FOB sang ODM. Kết quả tái cơ cấu đã góp phần tăng trưởng quy mô, hiệu quả và năng suất lao động của các công ty ngành may: Công ty CP 28 Hưng Phú bình quân hàng năm tăng 12,51%; Công ty 28-1 tăng 10%; Xí nghiệp May đo tăng 9,4%; Công ty CP 28 Đà Nẵng tăng 7%. Về lĩnh vực thời trang, đến nay, TCT đã xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển và khá thành công đối với thương hiệu chung của TCT là Agtex28 và nhãn hiệu thời trang Belluni. Hệ thống cửa hàng bán lẻ và giới thiệu sản phẩm phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô; thương hiệu Belluni  được nhận diện rộng rãi trên thị trường nội địa, từng bước tăng hiệu quả hoạt động; doanh thu bình quân của các cửa hàng năm sau tăng hơn so với năm trước: năm 2012 tăng 14%/năm, năm 2013 tăng 75%, năm 2014 tăng 25% và dự kiến năm 2015 tăng 50%. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, TCT đã chủ động tiếp cận nguồn cung ứng xăng dầu từ đầu nguồn, thực hiện khá thành công hoạt động kinh doanh lô hàng lớn, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về doanh thu. Hiện, TCT đang xúc tiến xây dựng và hoàn thiện phương án thành lập Công ty cổ phần xăng dầu và tìm kiếm đối tác góp vốn nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Về kinh doanh bất động sản, đã tập trung khai thác hết 100% công suất các quỹ đất, nhà xưởng hiện có (bao gồm các hạng mục chưa đầu tư nhưng hiện đang khai thác, cho thuê tận thu), doanh thu hằng tháng đạt hơn 3,5 tỷ đồng và đang đầu tư phát triển mới các dự án trên quỹ đất sẵn có của TCT.

Đối với tái cơ cấu hoạt động quản trị, điều hành, TCT đã hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025. Chủ động hợp tác với Công ty Sotoh đầu tư đổi mới công nghệ, hệ thống thiết bị đồng bộ sản xuất vải len và pha len cao cấp. Đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ, bổ sung thiết bị chuyên dùng cho Xí nghiệp Đo may; từng bước nâng cao quy mô sản xuất: Xí nghiệp Đo may được bổ sung 5 chuyền, Chi nhánh Hà Nội 2 chuyền; các công ty cổ phần cũng được đầu tư mở thêm chuyền sản xuất như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Phú. Công ty 28-1 đầu tư chuyển đổi thiết bị xưởng 1 sang may hàng veston nam. Bên cạnh đó, TCT đã áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn (Lean); đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống phần mềm quản trị sản xuất, góp phần tích cực vào công tác điều hành sản xuất. Đầu tư 17, 9 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại Xí nghiệp Cơ điện (năm 2014) và Khu công nghiệp Agtex Long Bình (năm 2015), góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Để cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh gọn, loại bỏ sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tạo thuận tiện cho việc phối hợp, tăng năng suất, TCT tiến hành điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số phòng, đơn vị cho phù hợp với tình hình phát triển của doanh nghiệp. Thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí lại, luân chuyển lao động khối văn phòng TCT và lao động gián tiếp của các đơn vị thành viên phù hợp với kế hoạch nguồn nhân lực. Điều chỉnh cơ chế quản lý của Công ty Xăng dầu, Chi nhánh Cần Thơ, Trung tâm Kinh doanh thời trang từ hạch toán phụ thuộc sang thực hiện chế độ hạch toán phân cấp đến lỗ, lãi; riêng Xí nghiệp Sợi và Xí nghiệp Dệt thực hiện hạch toán đến chi phí sản xuất trong xí nghiệp (giá gia công chế biến). Cùng với đó, TCT đã tập trung thực hiện xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, coi trọng việc đào tạo tại chỗ đối với công nhân kỹ thuật, cử cán bộ tham gia hội thảo chuyên đề hoặc các chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án tiền lương, quy chế trả lương phù hợp, đảm bảo ổn định thu nhập cho người lao động theo mục tiêu kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có vấn đề bất hợp lý, TCT tiến hành điều chỉnh ngay phương án tiền lương cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh. Kết quả, năm 2013, thu nhập bình quân của người lao động trong toàn TCT đạt 6.274.063 đồng/người/tháng, trong đó công ty mẹ đạt 8.050.000 đồng/người/tháng; năm 2014, toàn TCT đạt 7.500.000 đồng/người/tháng, trong đó, công ty mẹ đạt 8.700.000đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định, nhờ tích cực, chủ động thực hiện Đề án, đến năm 2015, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT đã có sự tiến bộ đáng kể, nhất là đối với quy hoạch sản phẩm chủ lực. Các đơn vị ngành may có mức tăng trưởng khá; hoạt động kinh doanh thời trang, thương hiệu, xăng dầu, bất động sản từng bước có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế, đó là: Hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành diễn ra khá chậm, tiến độ và khối lượng bán bớt cổ phần tại các công ty chưa đạt yêu cầu; việc tăng cổ phần mới chỉ thực hiện được tại Công ty CP 28 Bình Phú...

Thời gian tới, nhiều hiệp định tự do thương mại có hiệu lực, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Cộng đồng kinh tế ASEAN (EAC) đi vào hoạt động sẽ có nhiều tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, để thích ứng kịp thời với tình hình, TCT xác định: Trong năm 2016, tập trung hoàn thành các nội dung Đề án tái cơ cấu, công tác cổ phần hóa và thoái vốn còn lại của giai đoạn 2013-2015. Điều chỉnh mô hình, biên chế, tổ chức quản lý phù hợp với tình hình của TCT theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cải tiến cơ chế tiền lương, tiền thưởng; đẩy mạnh áp dụng phương pháp quản lý sản xuất tinh gọn và tin học hóa hệ thống quản lý. Nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm truyền thống và phát triển mới các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trên cơ sở tận dụng mặt bằng hiện có và mở rộng mới. Thực hiện kết nối dệt may ở một số mặt hàng, tạo thành chuỗi khép kín từ dệt đến may và phân phối sản phẩm ra thị trường. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng vào các chỉ tiêu hiệu quả về lợi nhuận, tiền lương, thu nhập, năng suất lao động..., đẩy mạnh khả năng cạnh tranh của TCT so với các đơn vị cùng ngành trong nước và khu vực. Phấn đấu đạt chỉ tiêu doanh thu tăng tối thiểu 15%, lợi nhuận tăng 8%, thu nhập bình quân tăng 5%, năng suất lao động bình quân tăng 5% trở lên so với năm 2015.

Đại tá NGUYỄN VĂN HÙNG, Tổng giám đốc Tổng công ty 28