Đây là kế hoạch thứ tư của WHO kể từ khi các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, chiến lược mới tiếp tục duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và điều trị giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài của đại dịch.

Mặt khác, chiến lược mới bổ sung thêm mục tiêu thứ ba là hỗ trợ các quốc gia trong giai đoạn chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang phòng ngừa, kiểm soát và quản lý đại dịch Covid-19 một cách bền vững và lâu dài hơn.

WHO đánh giá đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài. Ảnh: afro.who.int 

WHO nhận định đại dịch Covid-19 tiếp tục tồn tại, do đó khuyến cáo các quốc gia phải học cách quản lý những tác động không khẩn cấp của nó, bao gồm tình trạng hậu Covid-19. Đồng thời, tổ chức này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục nghiên cứu về virus gây bệnh và tác động của nó.

Chiến lược mới được đưa ra trước thềm cuộc họp Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO trong ngày 4-5 nhằm đánh giá xem đại dịch có còn nghiêm trọng để duy trì mức cảnh báo tối đa hay không, vốn được đưa ra vào tháng 1-2020 khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Quyết định cuối cùng thuộc về Tổng giám đốc WHO và kết quả sẽ được công bố vài ngày sau cuộc họp trên.

Trong phiên họp trước đó vào tháng 1-2023, các thành viên Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 của WHO kết luận rằng còn quá sớm để tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Họ trích dẫn các yếu tố liên quan, trong đó có sự không chắc chắn về nguy cơ xuất hiện những biến thể mới.

Vào tuần trước, WHO cho biết số ca tử vong do Covid-19 đã giảm 95% kể từ đầu năm nay, nhưng cũng cảnh báo rằng dịch bệnh vẫn đang lây lan. Đồng thời, Tổng giám đốc WHO từng chia sẻ rằng tổ chức này hy vọng vào một thời điểm nào đó trong năm nay có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với Covid-19.

MINH ANH (theo AFP, NHK)