Trong khi IS tuyên bố thừa nhận gây ra vụ tấn công và bạo lực khiến ít nhất 139 người thiệt mạng, các quan chức và chuyên gia tình báo Mỹ lại cho rằng ISIS-K gây ra vụ việc này. Chính quyền Nga đã bắt giữ 4 tay súng đến từ Tajikistan, một quốc gia Trung Á có đa số dân theo đạo Hồi mà ISIS-K chuyên tận dụng để chiêu mộ tân binh.

ISIS-K, được thành lập vào khoảng năm 2015, đã tiến hành các cuộc tấn công chết người ở Iran, Pakistan và Afghanistan, trong đó có cả vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul năm 2021 khiến 180 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ. ISIS-K đặt mục tiêu thành lập một vương quốc Hồi giáo ở khu vực lịch sử Khorasan trải dài khắp Nam và Trung Á.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ tấn công khủng bố. Ảnh: Reuters 

Nhóm này đã chuyển hướng sự chú ý sang Nga trong những năm gần đây, mở rộng hỗ trợ cho các nhóm thiểu số Hồi giáo ở nước này, trong khi bản thân IS lại phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ông can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria bằng cách ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại phe đối lập và IS.

Các nhà phân tích cho rằng số lượng lớn người thiệt mạng trong vụ tấn công ở Moscow và vụ đánh bom kép ở Iran hồi đầu năm nay cho thấy nhóm này đang tăng cường hiệu quả khủng bố gây chết người khi IS mở rộng phạm vi tới các khu vực chưa có chi nhánh. Trong cả hai trường hợp kể trên, IS đều không tuyên bố chi nhánh của tổ chức này tại Afghanistan đã thực hiện vụ tấn công. Mina Al-Lami, chuyên gia về truyền thông thánh chiến của BBC Monitor, đưa ra nhận định trên mạng xã hội: “(Các cuộc tấn công này) được tiến hành ở những quốc gia mà IS không có sự hiện diện đáng kể, không có các chi nhánh hoạt động hay cơ sở hỗ trợ”.

Các nhà phân tích dự báo rằng cuộc tấn công ở Moscow có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến Taliban và làm dấy lên những lời kêu gọi mới về nỗ lực chống khủng bố trong khu vực, đặc biệt là nhắm vào ISIS-K. Một quan chức an ninh ở Islamabad chuyên giám sát các nhóm chiến binh ở Afghanistan nói: “Cuộc tấn công ở Moskva cũng có thể làm tăng áp lực lên Taliban, buộc họ phải có thêm những người thuộc các sắc tộc như Tajikistan và Uzbekistan trong chính phủ của họ”.

Theo chuyên gia Taneja của Tổ chức Nghiên cứu Nhà quan sát, việc ISIS-K gieo rắc xung đột trong khu vực cho thấy rõ khả năng của nhóm này trong việc tận dụng "các câu chuyện, các hoạt động chính trị và xung đột cục bộ” để củng cố ảnh hưởng của chính mình. Vào năm 2022, ISIS-K đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới ở Uzbekistan và Tajikistan, mặc dù cả hai chính phủ này đều phủ nhận việc tên lửa đã bay tới lãnh thổ của họ. Taneja nói với Nikkei Asia: “Người Trung Á từ cả các quốc gia và dân tộc luôn là một thành phần quan trọng của IS”.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.