Ngày 24-2 (theo giờ miền Đông nước Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên họp khẩn cấp đặc biệt về tình hình Ukraine, đúng 3 năm sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.
Phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.
Chia sẻ quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về hậu quả và tác động tiêu cực của xung đột kéo dài, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các bên chấm dứt ngay chiến sự, không có hành động gây leo thang căng thẳng, ưu tiên bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo cấp bách cho người dân bị ảnh hưởng.
 |
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên thảo luận. |
Trưởng Phái đoàn Việt Nam khẳng định ủng hộ vai trò của LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đánh giá cao các sáng kiến mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy đối thoại để chấm dứt xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến vai trò và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh các giải pháp cho xung đột cần đạt được đồng thuận, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trực tiếp, thay vì gây thêm chia rẽ, đối đầu.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao cũng như quá trình tái thiết và phục hồi tại Ukraine, vì hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Ngày 24-2 (theo giờ bờ Đông của Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột, đồng thời hối thúc thiết lập nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Liên bang Nga.
Châu Âu được cho là đang chuẩn bị một kế hoạch quân sự nhằm bảo vệ Ukraine thời kỳ hậu chiến, trong bối cảnh Nga-Mỹ đang thúc đẩy những nỗ lực chung để chấm dứt cuộc xung đột ở nước này. Nhưng liệu nó có khả thi khi châu Âu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và cạn kiệt nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cũng là để bảo đảm cho an ninh của chính mình.