Ngày 4-6, Hy Lạp cho biết sẽ giải cứu hàng chục người di cư bị mắc kẹt nhiều ngày qua ở khu vực sông Evros phân chia ranh giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nguồn tin từ Bộ Bảo hộ công dân, Hy Lạp sẽ giải cứu những người di cư trên sau khi phía Thổ Nhĩ Kỳ không phản hồi đề nghị của Athens liên quan vấn đề này.
 |
Dòng người từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không ngừng đổ về Hy Lạp. Ảnh: ekathimerini
|
Văn phòng Thủ tướng lâm thời Hy Lạp loannis Sarmas cho biết đã đề nghị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ “phối hợp với các cơ quan biên phòng và ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép”. Thông báo của văn phòng cũng cho biết trong những ngày gần đây, mực nước sông Evros thấp đã tạo điều kiện thuận lợi để những người di cư vượt biên trái phép sử dụng các đảo nhỏ của cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 80 người di cư đã đến một trong các đảo nhỏ này thuộc lãnh thổ của Hy Lạp.
Trong một video gửi tới các phương tiện truyền thông, hình ảnh được cho là ở khu vực sông Evros cho thấy tại đây có khoảng 80 người Yazidi - tộc người thiểu số nói tiếng Kurd sống ở Iraq. Một người trong video cho biết nhóm người này đã bị mắc kẹt ở khu vực sông Evros trong 6 ngày qua và một số người cần được hỗ trợ y tế. Trước đó, ngày 1-6, Hy Lạp đã chặn một nhóm khác gồm gần 140 người di cư sau khi họ vượt sông Evros.
Trong những năm gần đây, hàng nghìn người di cư chủ yếu từ Syria, Afghanistan và Pakistan đã tìm đường qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp với hy vọng đến được Tây Âu. Nhà chức trách đã tăng cường tuần tra ở biển Aegean khiến người di cư khó đến các đảo của Hy Lạp hơn, do đó nhiều người chọn cách vượt sông Evros.
Hy Lạp hiện đang dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời cho đến khi bầu cử được tiến hành vào ngày 25-6 tới. Chính phủ bảo thủ trước đây - được cho là sẽ trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử này - đã quyết định xây dựng thêm 35 km hàng rào thép cao 5m dọc sông Evros. Hiện hàng rào này dài 38 km và từ nay đến năm 2026 Athens dự định dựng thêm tổng cộng 100 km hàng rào.
TTXVN
Trung tuần tháng 4, Chính phủ Italy đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do “sự gia tăng đột biến” về số lượng người di cư đến bờ biển nước này qua Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên Italy áp dụng một biện pháp quyết liệt như vậy kể từ năm 2011-đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu.