Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington, ngày 9-2. Ảnh: AP 

Theo Thủ tướng Scholz, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ và các nước châu Âu, Ukraine “sẽ không có cơ hội bảo vệ đất nước”. Ông Scholz cũng nhấn mạnh sự sẵn sàng của Đức trong việc "tăng cường hỗ trợ cung cấp vũ khí", đồng thời nhắc lại rằng mới đây, EU đã phê duyệt 54 tỷ euro (58,2 tỷ USD) viện trợ tài chính phi quân sự cho Kiev.

Về phần mình, Tổng thống Biden coi việc Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát không phê duyệt gói viện trợ quân sự bị trì hoãn từ lâu cho Ukraine là động thái "gần với tội sao nhãng mang tính hình sự".

Trước đó, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã chặn gói 118 tỷ USD bao gồm việc tăng cường bảo vệ biên giới và khoản viện trợ cho cả Ukraine và Israel, với lập luận rằng Mỹ không đủ khả năng tiếp tục tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine và châu Âu nên làm nhiều hơn thế. Theo tính toán của Viện Kinh tế thế giới Kiel, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine, với số tiền viện trợ tương đương gần 50 tỷ USD. Đức xếp ở vị trí thứ hai. Từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, đến cuối tháng 10-2023, Berlin đã gửi viện trợ quân sự trị giá hơn 17 tỷ euro (18,3 tỷ USD) cho Kiev. 

HIỀN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.