Trong nhiệm kỳ 3 năm làm thủ tướng của mình, có thể nói rằng, Thủ tướng Kishida đã ghi những dấu ấn đáng kể trong thúc đẩy chiến lược phòng thủ cho phép sở hữu khả năng phản công có thể tấn công mục tiêu của đối phương. Chiến lược phòng thủ của Nhật Bản vốn có đặc trưng định hướng hòa bình theo Hiến pháp hòa bình kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chính phủ của ông Kishida vào tháng 12-2022 đã công bố bản kế hoạch an ninh quốc gia mới, bao gồm các tài liệu chiến lược cho thấy sự tăng cường vai trò và sức mạnh quân sự lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều này được phản ánh qua con số chi tiêu cho quốc phòng tăng ở mức cao kỷ lục. Trong tổng ngân sách tài khóa 2024-2025, mức dành cho quốc phòng là 7,95 nghìn tỷ yên (56 tỷ USD), con số cao chưa từng thấy, tăng 16,5% so với năm 2023 và là mức tăng trong năm thứ 12 liên tiếp.
 |
Thủ tướng Kishida Fumio. Ảnh: Nikkei |
Có thể nói rằng ông Kishida là người đã đưa Nhật Bản thoát khỏi lập trường hòa bình sau chiến tranh, bao gồm nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương, tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ… Dưới thời ông Kishida, Nhật Bản lần đầu tiên tuyên bố sẽ mua tên lửa có thể vươn tới các quốc gia khác. Nhật Bản không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ an ninh với các đối tác cùng chí hướng, củng cố liên minh với Hoa Kỳ mà còn tăng cường hợp tác với Australia, Hàn Quốc và NATO, nhằm thúc đẩy vai trò của Tokyo đối với vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.
Các chính sách trên của ông Kishida phần lớn tiếp tục tầm nhìn của người tiền nhiệm quá cố Abe Shinzo, thậm chí còn đi xa hơn. Theo chuyên gia chính sách Đông Á Sneider, Đại học Stanford, ông Kishida “đã vượt xa ông Abe theo nhiều cách”. Theo ông, dưới thời ông Kishida, Nhật Bản “đã vượt ra khỏi những định nghĩa hạn hẹp về tự vệ vốn là đặc điểm nổi bật của chính sách an ninh Nhật Bản trong nhiều thập kỷ”.
Vậy người kế nhiệm Thủ tướng Kishida có tiếp tục nỗ lực của ông để đưa Nhật Bản đi những bước mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng, an ninh gây tranh cãi hay không? Còn quá sớm để có câu trả lời vào lúc này khi gương mặt sáng giá nhất có tiềm năng thay thế ông Kishida vẫn chưa lộ diện. Câu hỏi phù hợp được nhiều người quan tâm hơn vào thời điểm hiện nay đó là liệu thủ tướng tiếp theo có thể lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn về chính trị và kinh tế trong nước để tiếp tục theo đuổi chính sách quốc phòng, an ninh xa rời Hiến pháp hòa bình, đáp ứng kỳ vọng cao của ông Kishida hay không.
Thủ tướng Kishida buộc phải tuyên bố ra đi do các vụ bê bối quỹ chính trị của Đảng LDP cùng sự bất bình của công chúng trước nền kinh tế sa sút, đồng yên trượt dốc kỷ lục, giá sinh hoạt tăng cao. Ông lựa chọn rút lui trong danh dự trước khả năng rõ ràng không thể giành đủ sự ủng hộ để tiếp tục lãnh đạo Đảng LDP và như ông tuyên bố ra đi vì lợi ích của LDP và mang lại cho đảng một hình ảnh mới.
 |
Một số ứng viên tiềm năng thay thế Thủ tướng Kishida. Bà Kamikawa Yoko (ngoài cùng bên phải), ứng viên có tiềm năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Ảnh: Nikkei
|
Người kế nhiệm ông sẽ phải gánh vác trọng trách nặng nề đó là khôi phục niềm tin của người dân đối với chính quyền dưới sự dẫn dắt của Đảng LDP. Không thể phủ nhận, Thủ tướng Kishida đã thể hiện được khả năng lãnh đạo đáng kể trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều thách thức với việc thực thi chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh theo hướng tăng cường vai trò ảnh hưởng toàn cầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, chính quyền do ông đứng đầu không trả lời được câu hỏi sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện các cam kết chi tiêu quốc phòng quá lớn và quá sức đối với nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn.
Ông Kishida đã hy vọng về một “đội hình trong mơ” của LDP sẽ xuất hiện để đưa đất nước tiến lên. Giới phân tích đánh giá các lập trường chính sách đối ngoại lớn, bao gồm liên minh với đồng minh Mỹ, có khả năng sẽ không thay đổi. Nhưng LDP cũng như bất kỳ ai kế nhiệm ông cũng đều phải ở tình thế “ngã ba đường” khi phải lựa chọn lấy lại lòng tin của công chúng, vực dậy nền kinh tế trượt dốc và tiếp tục theo đuổi chính sách tự vệ của chính quyền tiền nhiệm vốn không thực sự dành được sự ủng hộ của người dân Nhật Bản đã quá thấm thía nỗi đau của chiến tranh.
Danh sách các ứng cử viên tìm kiếm vị trí lãnh đạo của LDP đã phản ánh tình thế khó khăn của đảng này. Các ứng cử viên này có thể được chia thành hai loại: Những người nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo đảng nhưng thiếu sự ủng hộ của công chúng và những ứng cử viên tiến bộ hơn không có sự ủng hộ của lãnh đạo đảng. Những ứng viên được sự ủng hộ của lãnh đạo đảng gồm Tổng thư ký LDP Motegi Toshimitsu, giữ vị trí thứ hai của đảng và từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2019 đến năm 2021. Một ứng cử viên khác là Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takaichi Sanae, một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn. Các ứng cử viên tiến bộ gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko, người được đồn đoán khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Các chuyên gia cho biết nhu cầu thay đổi hình ảnh của LDP có thể thúc đẩy đảng này lựa chọn một phụ nữ lên làm thủ tướng.
Một ứng cử viên nổi tiếng khác đã tạo nên làn sóng trong LDP khi tìm kiếm các biện pháp cải cách để hiện đại hóa Nhật Bản là Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono Taro. Mặc dù không rõ ông sẽ phản ứng như thế nào với tình hình địa chính trị hiện tại, nhưng ông từng thể hiện cách tiếp cận ôn hòa hơn khi giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Ông tuyên bố rõ không đến thăm chính thức ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi vì nơi đây thờ cả những tội phạm chiến tranh bị kết án của Nhật Bản.
Những ứng viên tiềm năng này dù là ai lên thay thế ông Kishida cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó bao gồm thực thi các cam kết đòi hỏi chi tiêu lớn của chính quyền tiền nhiệm đã được đưa vào luật hoặc được nội các phê duyệt. Không riêng việc thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng, các cam kết về thúc đẩy tỷ lệ sinh, đạt được chuyển đổi xanh đều sẽ là những công việc nặng nề mà lãnh đạo sắp tới của Đảng LDP cầm quyền sẽ phải giải quyết, để bảo đảm sự thống nhất, nhất quán trong đảng vốn đang tồn tại nhiều chia rẽ.
MỸ HẠNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.