Các công tố viên cho biết, những người di cư này đã phải chi tiền để những kẻ buôn người đưa họ rời quê hương, vượt qua biên giới nhiều quốc gia và tới Ecuador.
Tuy nhiên, họ đã bị lừa hết tiền, đồng thời phải chịu cảnh chen chúc và bị bỏ đói tại một ngôi nhà ở làng Inapari, thuộc khu vực Madre de Dios dọc biên giới Peru - Brazil. Trong số các nạn nhân có 4 trẻ em, gồm một em bé mới chỉ 2 tháng tuổi.
 |
Người di cư di chuyển qua sa mạc nằm giữa biên giới Chile và Peru ngày 2-5-2023. Ảnh: AP |
Nguồn tin không công bố thông tin chi tiết về số tiền mà những người di cư đã chi trả cho những kẻ buôn người.
Theo các nạn nhân Afghanistan, những kẻ buôn người hứa sẽ đưa họ đến một thành phố trong khu vực biên giới Peru - Brazil, sau đó đến thủ đô Lima, trước khi tới Tumbes - một thành phố gần biên giới phía Bắc của Peru với Ecuador.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 2,4 triệu người là nạn nhân của nạn buôn bán người, trong đó có 600.000 đến 800.000 người bị buôn bán qua biên giới và 12.000 trẻ em phải làm việc như nô lệ ở các đồn điền ca cao tại khu vực Tây Phi.
Hoạt động buôn người diễn ra mạnh nhất tại khu vực Đông Âu, châu Phi và Đông Nam Á. Đa phần các nạn nhân bị bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động. Tại các quốc gia Đông Âu như Ukraine, Nga, Moldova và Bulgaria, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đặc biệt rơi vào tầm ngắm của những kẻ buôn người, với mục đích biến họ thành nô lệ tình dục, hoặc bị ép ăn xin. Nạn buôn người cũng là một vấn đề nổi cộm tại các quốc gia châu Phi cận Sahara như Nigeria, Ghana và Nam Phi.
Trong khi đó, khu vực Trung Mỹ và vùng Caribe, trong đó có Mexico, Guatemala, Honduras và Dominica, được xác định vừa là nguồn, vừa là điểm trung chuyển của các hoạt động buôn người đa quốc gia. Các thành phố lớn có hoạt động du lịch phát triển như: New York, Los Angeles, London và Amsterdam được coi là điểm nóng của các hoạt động buôn người vì mục đích bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.
Nguyên nhân chính dẫn đến nạn buôn người là đói nghèo, bất ổn chính trị và kinh tế, xung đột vũ trang, chiến tranh, bất bình đẳng giới, khủng bố và năng lực thực thi pháp luật yếu kém của chính quyền địa phương. Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng buôn người. Các tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), Cơ quan biên giới châu Âu (Frontex), Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC)... cùng nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ cũng đã cùng nhau xây dựng các khung pháp lý và chương trình hợp tác nhằm ngăn chặn và giải quyết hậu quả nạn buôn người.
MINH ANH (tổng hợp)