QĐND - Những xung đột ngày càng leo thang giữa Pa-le-xtin và I-xra-en xung quanh ngôi đền cổ linh thiêng An Ác-xa ở Giê-ru-xa-lem đang đẩy khu vực Trung Đông vào nguy cơ "chiến tranh tôn giáo".
An Ác-xa là địa điểm được người Hồi giáo rất tôn kính. Đây được coi là nơi linh thiêng thứ ba của người theo đạo Hồi, cũng là khu vực gây tranh cãi quyết liệt trong cuộc xung đột giữa người Do Thái và A-rập. Từ đầu tháng 11, bạo lực đã bùng phát tại nhiều khu vực lãnh thổ của Pa-le-xtin bị I-xra-en chiếm đóng sau khi Ten A-víp đóng cửa ngôi đền cổ An Ác-xa và ngăn người Pa-le-xtin vào cầu nguyện. Một số bộ trưởng và nghị sĩ I-xra-en còn yêu cầu chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm người Do Thái cầu nguyện tại khu đền thờ này, cũng được coi là khu vực linh thiêng đối với người I-xra-en. Thậm chí, một số chính khách I-xra-en đã công khai tới đền An Ác-xa, một hành động mà người Pa-le-xtin cho là khiêu khích và đáp trả bằng các biện pháp bạo lực. Ngày 10-11, một người định cư và một binh sĩ I-xra-en đã thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng dao do người Pa-le-xtin thực hiện tại khu vực Bờ Tây và Ten A-víp. Đến ngày 11-11, các binh sĩ I-xra-en đã bắn chết một người Pa-le-xtin trong các cuộc đụng độ tại phía Nam khu Bờ Tây. Cũng trong đêm 11-11, một đền thờ Hồi giáo tại làng An Mu-ga-i, gần khu định cư Si-lô ở thành phố Ra-ma-la, thuộc khu Bờ Tây đã bị những người định cư I-xra-en phóng hỏa.
 |
Thanh niên Pa-le-xtin ném đá và phóng hỏa trong các vụ đụng độ với cảnh sát I-xra-en liên quan đến ngôi đền An Ác-xa. Ảnh: AP
|
Theo cáo buộc của phía Pa-le-xtin, những cuộc xung đột bạo lực gần đây tại ngôi đền linh thiêng này là do các phần tử "cực đoan", được sự hậu thuẫn của Chính phủ I-xra-en kích động, với mục tiêu đẩy khu vực vào một cuộc xung đột tôn giáo. Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại trụ sở Chính quyền Pa-le-xtin ở Bờ Tây ngày 11-11, Tổng thống Pa-le-xtin, Ma-mút Áp-bát (Mahmoud Abbas), cho rằng I-xra-en đang tìm cách phân chia thánh địa Giê-ru-xa-lem, trong đó có đền thờ An Ác-xa. “Việc cho phép người Do Thái thường xuyên tới thăm An Ác-xa là hành động khiêu khích và có thể đưa khu vực tới một cuộc chiến tranh tôn giáo’, nhà lãnh đạo Pa-le-xtin tuyên bố. Ồng Ma-mút Áp-bát nhấn mạnh, Giê-ru-xa-lem là thủ đô của Pa-le-xtin; người Pa-le-xtin không nhượng bộ và sẽ bảo vệ khu thánh địa này.
Trong khi đó, Thủ tướng I-xra-en, Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) lại cáo buộc chính quyền của Tổng thống Ma-mút Áp-bát hậu thuẫn các vụ tấn công bạo lực gần đây tại Giê-ru-xa-lem. Ông B.Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố, sẽ áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực của người A-rập Pa-le-xtin tại Giê-ru-xa-lem và I-xra-en. Các biện pháp này bao gồm phá hủy nhà của những người A-rập đứng đằng sau các cuộc tấn công nhằm vào người I-xra-en, trừng phạt nghiêm khắc những đối tượng ném đá, tấn công lực lượng an ninh I-xra-en.
Trước các vụ bạo lực gây thương vong tại Giê-ru-xa-lem và Bờ Tây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đã bày tỏ sự quan ngại và nêu rõ, “bạo lực chỉ gây xói mòn lòng tin và gây tổn hại các nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho người I-xra-en và Pa-le-xtin”. Ông Ban Ki Mun kêu gọi các bên nỗ lực hết sức có thể để tránh làm leo thang căng thẳng tại khu vực.
Trong khi đó, ngày 12-11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ A-mét Đa-vu-tô-glu (Ahmet Davutoglu) đã chỉ trích I-xra-en tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào người Pa-le-xtin tại Giê-ru-xa-lem, đồng thời cam kết sẽ bảo vệ thành phố này cùng các địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo. "Không gì ngăn được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ Giê-ru-xa-lem và ngôi đền An Ác-xa. Giới lãnh đạo của I-xra-en không được tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào thành phố này. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không im lặng, ngay cả khi thế giới lờ đi những gì đang diễn ra tại Giê-ru-xa-lem”, ông A-mét Đa-vu-tô-glu nhấn mạnh. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, thông qua các cơ quan đại diện trên khắp thế giới, An-ca-ra đang tăng cường nhận thức về các hành động của I-xra-en tại Giê-ru-xa-lem và đã cử một phái đoàn của chính phủ tới I-xra-en nhằm tìm cách cải thiện tình hình đang leo thang.
Căng thẳng giữa người Do Thái và người Pa-le-xtin ở Giê-ru-xa-lem đã tăng cao kể từ cuộc chiến kéo dài gần một tháng giữa I-xra-en và phong trào Hamas ở Dải Ga-da hồi tháng 7 vừa qua, làm khoảng 2000 người, phần lớn là thường dân, thiệt mạng. Với những diễn biến căng thẳng mới nhất này, dư luận lo ngại, xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en sẽ kéo khu vực vào một cuộc chiến tranh tôn giáo, làm bùng phát căng thẳng tại Trung Đông.
BÌNH NGUYÊN