Lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng đầu tiên trên Quảng trường Đỏ diễn ra ngày 24-6-1945. Kể từ sau đó, lễ duyệt binh được tổ chức trong các năm kỷ niệm chẵn (1965, 1985, 1990), vào đúng ngày 9-5, ngày phát xít Đức ký biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện trước đại diện Đồng minh tại Berlin.

Theo RIA Novosti, từ năm 1995, lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng trở thành sự kiện được tổ chức thường niên, song không có phần trình diễn của các trang bị khí tài. Lễ duyệt binh năm 2001 có chút khác biệt: Lần đầu tiên trong lịch sử thời kỳ hậu Xô viết, sự kiện này được chủ trì bởi một Bộ trưởng Quốc phòng dân sự.

leftcenterrightdel

Quang cảnh lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, ngày 9-5-2024. Ảnh chụp màn hình.

Năm 2005, lễ duyệt binh kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng được tổ chức trọng thể với sự tham dự của nguyên thủ nhiều cường quốc thế giới. Trong sự kiện này, Tổng thống Mỹ George W. Bush, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Gerhard Schröder đều có mặt.

Từ năm 2008, theo quyết định của Tổng thống Nga, lễ duyệt binh có sự xuất hiện trở lại của các trang bị quân sự và được chia làm 3 phần: Bộ binh, Tăng thiết giáp, Không quân. Cũng trong năm này, màn trình diễn đầy ấn tượng của các loại trực thăng, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay vận tải quân sự đã để lại nhiều dấu ấn, khơi dậy niềm tự hào của người dân Nga, đồng thời qua đó phô trương khả năng và sức mạnh quốc phòng Nga, tái khẳng định vị thế của một cường quốc vũ khí quân sự.   

leftcenterrightdel
Binh lính Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh chụp màn hình

Năm 2010, kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng, lễ duyệt binh được tổ chức với quy mô chưa từng có. Khoảng 1.000 quân nhân nước ngoài tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Đại diện quân đội 10 nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), cũng như đại diện của Mỹ, Anh, Pháp và Ba Lan tham dự buổi lễ. Pháp gửi phi đoàn Normandie-Niemen, Mỹ cử lực lượng mặt đất, Anh cử Vệ binh xứ Wales, Ba Lan cử một đội quân danh dự tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ.

Năm 2015, lễ duyệt binh mừng 70 năm Ngày Chiến thắng có sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Tổng cộng hơn 15.000 người tham gia sự kiện. Một số lực lượng bộ binh, không quân và hải quân của Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Ấn Độ, Mông Cổ, Serbia và Trung Quốc cũng tham gia duyệt binh. Khoảng 200 thiết bị quân sự được đưa ra trình diễn, bao gồm các mẫu xe bọc thép mới nhất do Nga sản xuất như Armata, Kurganets, Boomerang và pháo tự hành Coalition-SV.

leftcenterrightdel
Loạt đại bác chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Chiến thắng. Ảnh chụp màn hình

Cuộc duyệt binh năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên có sự góp mặt của khối nữ quân nhân Nga, cũng như sự ra mắt của lực lượng Hàng không vũ trụ và lực lượng Vệ binh quốc gia. Khán giả được chiêm ngưỡng màn trình diễn của máy bay vận tải quân sự mới nhất Il-76MD90A và tiêm kích đa năng Su-35S.

Trong lễ duyệt binh năm 2017, lần đầu tiên Nga trình diễn hàng loạt trang bị vũ khí như hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2DT, hệ thống pháo phòng không và tên lửa đất đối không Pantsir-SA, xe bọc thép đa năng Tiger-M và xe tăng T-72B3M. Màn trình diễn trên không bị hủy bỏ do thời tiết xấu.

Lễ duyệt binh năm 2018, Moscow lần đầu tiên trình làng hệ thống robot Uran-6 điều khiển từ xa, xe tăng không người lái Uran-9, máy bay không người lái Katran và Corsair, phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng Terminator-2 (Kẻ hủy diệt-2). Cùng với đó là màn trình diễn của 75 phi đội tác chiến-chiến thuật, máy bay vận tải quân sự, tên lửa siêu thanh Kinzhal…

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Các đơn vị thiết bị quân sự trình diễn trong lễ duyệt binh ngày 9-5-2024. Ảnh chụp màn hình

Năm 2020, do đại dịch Covid-19, lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng đã phải hoãn lại và được tổ chức vào ngày 24-6, với hơn 14.000 quân nhân, 234 đơn vị thiết bị quân sự mặt đất, 75 máy bay, cùng sự góp mặt của quân nhân từ 13 quốc gia: Azerbaijan, Armenia, Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Moldova, Mông Cổ, Serbia, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các nhà lãnh đạo của Belarus, Uzbekistan, Bosnia và Herzegovina, Kazakhstan, Moldova, Tajikistan, Serbia, Nam Ossetia và Abkhazia dự lễ duyệt binh. Lãnh đạo Kyrgyzstan đã tới Moscow song không tham dự vì phải cách ly do thành viên trong đoàn bị nhiễm virus Corona. Năm 2021, ban tổ chức quyết định không mời khách từ nước ngoài tham gia do các hạn chế phòng, chống dịch.

leftcenterrightdel
Đông đảo người dân Nga đội mưa tuyết đến xem duyệt binh tại Quảng trường Đỏ. Ảnh chụp màn hình

Năm 2022, 11.000 người tham gia Lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ. Màn trình diễn trên không bị hủy bỏ do thời tiết xấu. Năm 2023, hơn 10.000 quân nhân và 125 đơn vị thiết bị quân sự tham gia duyệt binh. Lãnh đạo các nước Armenia, Belarus, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan tới tham dự.

Năm 2024, hơn 9.000 người và 75 đơn vị thiết bị quân sự và máy bay tham gia lễ duyệt binh, trong đó có xe bọc thép Tiger, Typhoon và Ural, cũng như các hệ thống tên lửa Iskander, Yars và S-400. Khách mời tham dự trực tiếp có nguyên thủ các nước: Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Cuba, Lào và Guinea-Bissau; cùng đại diện Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (CSTO), cơ quan đại diện ngoại giao và tùy viên quân sự từ các quốc gia thân thiện.

HÀ PHƯƠNG - PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.