Người góp phần đưa tạp chí The Nation “cất cánh”

Nhà báo Navasky sinh ngày 5-7-1932 tại Manhattan (New York, Mỹ). Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Yale, từ năm 1970, ông trở thành biên tập viên của The New York Times, một tờ báo của Mỹ có trụ sở tại thành phố New York với tầm ảnh hưởng và lượng độc giả trên toàn thế giới.

Ông Navasky năm 1962. Ảnh: The New York Times

Sau khi rời The New York Times, ông Navasky “đầu quân” cho The Nation - tạp chí có quan điểm thiên tả và ủng hộ chủ nghĩa tự do lâu đời nhất của Mỹ, đồng thời là một trong những ấn phẩm lâu đời nhất tại xứ cờ hoa, được thành lập năm 1865 dưới dạng tuần báo (nay xuất bản hai tuần một lần) - vào năm 1978. Tại đây, ông xây dựng danh tiếng cho riêng mình trong lĩnh vực văn học và chính trị khi đem tới cho độc giả nước Mỹ lối tư duy và ngòi bút sắc sảo, phong cách phóng bút đầy khôi hài nhưng thâm sâu, đối ngược với dòng chủ lưu quá nghiêm túc của nước Mỹ thời bấy giờ.

Theo Sputnik News, ông Navasky được miêu tả là một ngôi sao chính trị cánh tả mạnh mẽ, một nhà báo đầy dí dỏm và một người có lối tư duy đối nghịch. The New York Times đánh giá di sản để lại cho đời của ông Navasky là “Naming Names” (tạm dịch: Chỉ mặt đặt tên) - cuốn sách viết năm 1980 và mở ra kỷ nguyên mang tính bước ngoặt hé lộ mảng tối trong thế giới Hollywood của những ngôi sao tại nước Mỹ. Chính cuốn Naming Names đã giúp ông Navasky giành Giải thưởng sách quốc gia danh giá của Mỹ chỉ 2 năm sau khi xuất bản.

Trong thời kỳ ở The Nation, từ cương vị biên tập viên cho đến cấp cao nhất là chủ bút (1978-2005), ông Navasky được coi là người có công đầu trong việc “nuôi dưỡng đội ngũ các tay viết chất lượng, trong khi tiết kiệm từng đồng và kêu gọi đóng góp để duy trì tạp chí vận hành”.

Dưới thời ông Navasky, The Nation đã mở rộng lượng phát hành trong khi vẫn duy trì tôn chỉ hoạt động của mình. Theo thống kê của The New York Times, khi ông mới đảm nhiệm vị trí tổng biên tập, The Nation chỉ phát hành khoảng 20.000 bản. Đến năm 2019, con số này thường xuyên duy trì ở mức trên 130.000, chưa bao gồm 15.000 độc giả đăng ký trực tuyến. Đây là kết quả rất tích cực trong bối cảnh The Nation cũng như làng báo chí của Mỹ và thế giới có sự cạnh tranh rất khốc liệt và chứng kiến nhiều tờ báo phải đóng cửa hoặc giảm lượng xuất bản. Kể cả đến khi nghỉ hưu, ông vẫn được tôn vinh là tổng biên tập danh dự suốt đời của The Nation.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông Navasky là cuốn sách “Naming Names”. Ảnh: Amazon 

Bà Katrina vanden Heuvel, Tổng biên tập The Nation kế nhiệm ông Navasky, nhấn mạnh ông là một nhà báo chuyên nghiệp. “Ông ấy thực sự tin tưởng vào sức mạnh của truyền thông. Ông ấy luôn âm thầm nhưng quyết liệt với niềm tin của mình”, tờ Politico dẫn lời bà Katrina vanden Heuvel.

Ông Navasky cũng tốt bụng và hào phóng với rất nhiều người. “Thực tế, điều duy nhất tôi không thích ở Victor Navasky là việc mọi người đều thích anh ấy. Tôi nghĩ bây giờ anh ấy nên tạo thêm vài kẻ thù nữa”, nhà báo Christopher Hitchens tếu táo khi nói về ông Navasky với tờ Politico. Trong khi đó, theo đài NPR, ông Navasky “thường không có gì ngoài những lời lẽ tử tế dành cho mọi người mà ông ấy gặp”.

Tiếng nói tích cực phản đối chiến tranh tại Việt Nam

Không chỉ là một nhà báo giỏi, ông Navasky còn là một trong những người dũng cảm, tham gia tích cực phong trào phản đối Mỹ đưa quân đến Việt Nam. Sputnik News cho biết, nhà hoạt động phản chiến người Mỹ Peter Weiss từng nhận xét rằng, những bài báo dưới ngòi bút kiên định của Navasky đã gây được tiếng vang lớn, kêu gọi chính quyền Washington chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa tại Việt Nam.

Nhà báo Navasky năm 1991, thời kỳ ông còn làm chủ bút The Nation. Ảnh: The NYT

Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times vào năm 2000, ông Navasky từng đưa ra quan điểm về lòng yêu nước liên quan tới phong trào phản chiến ở Mỹ. Theo đó, ông khẳng định những người yêu nước thực sự trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam là những người phản đối cuộc chiến này.

Lấy ví dụ về thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, ông Navasky cho rằng những người Mỹ từng đốt cờ Mỹ để phản đối chiến tranh cũng bao gồm rất nhiều người yêu nước. “Định nghĩa của tôi về yêu nước bao gồm việc chiến đấu để bảo đảm rằng đất nước của chúng ta hướng tới những lý tưởng cao nhất. Và từ góc độ này, kể cả những người đốt cờ, không phải tất cả nhưng sẽ là một trong số đó, có lẽ cũng yêu nước như những người quấn cờ trên mình”, ông Navasky nêu rõ.

MINH ANH (theo Sputnik News, The New York Times, Politico, NPR)