Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (giữa) và vợ chồng đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Ảnh tư liệu

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân khá giả, tốt nghiệp bậc sơ học ở Trường tỉnh Long Xuyên, anh Hai Thắng (tên thường gọi của Chủ tịch Tôn Đức Thắng) là một thanh niên có điều kiện học hành để tiến thân trong chế độ cũ. Nhưng anh đã dũng cảm từ bỏ con đường vinh hoa, chọn con đường làm thợ, sớm hòa nhập vào cuộc sống những người thuộc tầng lớp cần lao. Vào đời bằng con đường “vô sản hóa”-đó là con đường mà anh Hai Thắng đã chọn. Dù phải lao động chân tay cực nhọc, dù bị giới chủ thực dân đương thời gọi là “cu ly hèn hạ”, nhưng đối với những trang đầu của lịch sử Việt Nam hiện đại và nhất là đối với những dấu mốc lớn trong cuộc đời của anh Hai Thắng thì quyết định này có ý nghĩa thực tiễn to lớn, rất xứng đáng với “chất người Tôn Đức Thắng”-Một chất người, một phẩm giá được lịch sử và hậu thế trân trọng. Trân trọng bởi ngay từ hồi đầu thế kỷ XX, anh Hai Thắng là một trong số rất ít thanh niên Việt Nam đã sớm khẳng định một tư duy, một bản lĩnh độc lập và sáng tạo, đáp ứng đúng những nguyện vọng của toàn dân tộc và đòi hỏi của lịch sử. Trân trọng bởi từ tuổi thanh niên, cũng như Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng là một trong số hiếm hoi thanh niên Việt Nam cùng thời đã vượt qua được những lối mòn, vươn tới những tư tưởng tiên tiến để đi theo con đường thời đại-Con đường giải phóng mà cả dân tộc đang mong đợi, đang đòi hỏi.

Khi đang học Trường thợ máy Á Châu Sài Gòn, anh Hai Thắng bị xung vào đội lính thợ phục vụ cho Thế chiến thứ nhất. Trong đoàn hơn 400 người, anh bị đưa sang Pháp, rồi bị đưa vào làm thợ máy trên tuần dương hạm France của hải quân Pháp. Binh lính và thủy thủ của chiến hạm France đã phản chiến chống lại lệnh chiến đấu của chỉ huy. Khẩu hiệu họ nêu ra là “Không chiến tranh với nước Nga. Quay về Tu Lông!”. Người thủy thủ Tôn Đức Thắng trên chiến hạm đó đã tích cực tham gia phản chiến.

8 giờ sáng ngày 20-4-1919, anh Hai Thắng trèo lên nóc chiến hạm France hạ lá cờ tam tài xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ thắm màu máu, giữa tiếng hát vang bài Quốc tế ca chào mừng cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, chào mừng nước Nga Xô-viết. Có điều gì đó rất tự tin, chính trực toát ra từ người lính thủy thủ Việt Nam nhỏ thó khiến tên sĩ quan Pháp đã sờ tay vào bao súng ngắn, nhưng rồi phải rụt tay lại không dám rút súng ra. Cái vía của chính nghĩa và hành động rất dũng cảm của anh Hai Thắng đã át được sự độc ác của kẻ tà tâm.

Trước tình hình cuộc phản chiến quá mạnh, bọn sĩ quan chỉ huy hạm đội nhận được lệnh cho đoàn tàu quay mũi, rút về Pháp, chịu thất bại nhục nhã. Về đến Pháp, anh Hai Thắng bị kỷ luật, đuổi khỏi quân ngũ.

Năm 1920, anh Hai Thắng về nước tiếp tục làm thợ. Anh thành lập tổ chức công hội bí mật đầu tiên tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Từ khi về nước và suốt những năm 20 của thế kỷ XX, anh Hai Thắng đã có những cống hiến lớn lao thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân Sài Gòn nói riêng và phong trào công nhân Việt Nam nói chung-sự phát triển về mục tiêu đấu tranh vì giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Đó là cơ sở xã hội cực kỳ quan trọng để tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản.

Hơn 15 năm bị đày đọa tại địa ngục Côn Đảo là thử thách rất lớn trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng. Trong những tháng năm bị tù đày, bị nhiều cực hình của bọn cai ngục, anh Hai Thắng vẫn luôn luôn tỏ rõ là người có nghị lực phi thường và sự trung thành vô hạn đối với Đảng, với cách mạng. Vượt qua đòn thù và nhiều âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, lừa bịp thâm độc, anh Hai Thắng đã tỏ rõ bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, vẫn tham gia thành lập và sinh hoạt chi bộ Đảng, học tập lý luận Mác-Lê-nin, làm báo tường tuyên truyền cách mạng. Phẩm chất, đạo đức cách mạng, tính nhân văn trong hành động của anh Hai Thắng không chỉ là tấm gương với đồng chí, mà còn cảm hóa được không ít tù nhân Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Một số người sau này đã trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên. Trong một lần đấu tranh tuyệt thực năm 1936 để phản đối tên chúa đảo gian ác Buriê, anh Hai Thắng (lúc này đã 49 tuổi) bị lũ cai ngục đánh bầm tím thân thể, đầu chảy máu bê bết, nhưng “vẫn thản nhiên”, chịu đựng như không có chuyện gì xảy ra… Bọn Pháp rất muốn thủ tiêu anh Hai Thắng, nhưng lại chơi trò ném đá giấu tay, đưa anh xuống làm cai rằng ở hầm xay lúa, một địa ngục trần gian tại Côn Đảo. Thông thường, cai rằng có nhiệm vụ ép anh em tù nhân phải lao động kiệt lực để thực hiện đủ chỉ tiêu quá sức mà lũ cai ngục đã đặt ra, vì thế dễ bị anh em tù nhân chán ghét, thậm chí lén giết chết. Thế nhưng, cai rằng Hai Thắng vừa xuống hầm xay lúa đã thẳng thắn nói: “Anh em muốn xay bao nhiêu thì xay, còn bọn Tây nó đánh tôi, nó làm gì tôi thì cứ mặc kệ tôi”. Không những thế, anh Hai Thắng còn cố gắng tìm cách cải tiến cung cách làm việc tại địa ngục trần gian này sao cho hợp lý, cải thiện đời sống cho anh em tù nhân. Thế là “gậy ông đập lưng ông”, âm mưu nham hiểm của kẻ thù đã bị thất bại, còn sức mạnh đoàn kết của khối tù nhân càng thêm chặt chẽ.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Tôn Đức Thắng và các chiến sĩ cách mạng được Đảng và Nhà nước ta đón về đất liền và tiếp tục lao vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Tháng 3-1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được Trung ương Đảng và Chính phủ điều ra Hà Nội công tác. Lần đầu tiên đồng chí được gặp gỡ trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người phân công nhiệm vụ chỉ đạo việc thành lập Hội liên Việt.

Ngày 29-5-1946, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng, đồng chí Tôn Đức Thắng là Hội phó.

Tháng 3-1951, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức đại hội thống nhất thành Mặt trận liên Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch mặt trận. Tháng 9-1955, Mặt trận liên Việt đại hội và đổi thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu lại làm chủ tịch và giữ trọng trách này tới năm 1977; Chủ tịch danh dự của Mặt trận đến năm 1980. Năm 1960 đồng chí được bầu làm Phó chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp đặc biệt của Quốc hội Khóa 3, tháng 9 năm 1969.

Là người có tinh thần trong sáng về chủ nghĩa quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng đã hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Đồng chí từng là ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, từ tháng 7-1955, nhiều năm là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô.

Năm 1955 đồng chí được Ủy ban giải thưởng hòa bình quốc tế Lê-nin tặng giải thưởng Lê-nin: Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương cao đẹp về tinh thần hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Tôn Đức Thắng là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Do những cống hiến to lớn của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, năm 1958, đồng chí Tôn Đức Thắng được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Công lao của đồng chí Tôn Đức Thắng được Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Hồ Chủ tịch. Bất kỳ ở cương vị công tác nào, mặc dù tuổi cao, đồng chí luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất, về đức tính khiêm tốn, giản dị”.

TÔ PHƯƠNG