Gia nhập Không quân Hoa Kỳ vào năm 1966, Michael J.Heck lập tức được điều sang tham chiến ở Việt Nam. Nghi vấn về tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Nam lớn dần khi Michael J.Heck tận mắt chứng kiến số lượng khổng lồ vũ khí, nhân lực nước Mỹ huy động nhằm chống lại một đất nước nhỏ bé cách nửa vòng Trái Đất. Trong chiến dịch "Linebacker II", giới chức Mỹ điều động 197 chiếc B-52, tương đương một nửa số B-52 trong biên chế Không quân Mỹ khi đó, hòng ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Trước và sau Lễ Giáng sinh năm 1972, Không quân Mỹ đã trút bom không ngừng xuống miền Bắc Việt Nam, không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân thường.

Ngày 26-12-1972, sau khi nghe tin Lầu Năm Góc quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch ném bom, Michael J.Heck đến gặp chỉ huy phi đội của mình và tuyên bố không thực hiện mệnh lệnh tiếp tục bay ném bom. Ông yêu cầu được điều chuyển đến một vị trí khác nhưng không được chấp thuận. Sau đó, ông xin giải ngũ.

Michael J.Heck (bên phải). Ảnh: Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Sự kiện này nhanh chóng xuất hiện trên nhiều trang thông tin tại Mỹ và Michael J.Heck được biết tới là viên phi công đầu tiên công khai chỉ trích chiến dịch của Mỹ tại Việt Nam. Trả lời phỏng vấn New York Times, Michael J.Heck nói: “Chứng kiến những gì đã xảy ra trong cuộc chiến này, việc ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam với tôi chính là giọt nước làm tràn ly”.

Lo sợ câu chuyện về Michael J.Heck “thêm dầu vào lửa” cho phong trào phản chiến tại Mỹ, Lầu Năm Góc vội vã tuyên bố rằng cựu phi công B-52 “bị tổn thương thần kinh trong chiến đấu”.

Trong khi chiến dịch "Linebacker II" là một thất bại thảm hại, Tổng thống Mỹ Richard Nixon vẫn tuyên bố “cuộc ném bom rải thảm đã đẩy nhanh tiến trình kết thúc chiến tranh”. Trả lời trong một cuộc họp báo, Michael J.Heck đã khẳng định: “Mục đích đó không thể biện minh cho sự hủy diệt và thảm sát”.

Michael J.Heck cho biết, trước khi chiến dịch "Linebacker II" diễn ra, các phi công đồn trú cùng căn cứ với ông không bộc lộ nhiều cảm xúc khi đi ném bom. “Dù anh có ủng hộ hay phản đối chiến tranh, sự chai lì luôn hiện hữu lúc nhận nhiệm vụ. Không ai mảy may cắn rứt lương tâm khi ấn nút thả bom. Họ coi đó như những bài bay huấn luyện”, Michael J.Heck chia sẻ.

Thế nhưng, sau những ngày đêm trong chiến dịch "Linebacker II", Michael J.Heck cảm thấy rùng mình khi đi qua khu nhà ở của các phi công Mỹ thiệt mạng hoặc mất tích. “Tôi thấy người ta cất những vật dụng cá nhân của các phi công vào trong hộp. Gần như tất cả mọi người đều mất đi người nào đó mà họ quen biết, không ai muốn bay tiếp nữa, trừ một số rất ít nhưng tôi không biết những người đó”, Michael J.Heck kể lại.

Trả lời New York Times, Michael J.Heck khẳng định ông sẵn sàng chấp nhận bị phạt tù còn hơn phải tiếp tục tham gia ném bom. “Tôi thậm chí sẽ từ chối những công việc như nạp vũ khí hoặc tiếp nhiên liệu cho máy bay ở trên mặt đất. Tôi không thể tiếp tục trở thành một phần của cuộc chiến”, Michael J.Heck nhấn mạnh.

Gia đình Michael J.Heck vốn luôn phản đối gay gắt cuộc chiến tranh Việt Nam đã rất vui mừng khi nghe tin về quyết định của ông. Qua những lá thư gửi về nhà, Michael J.Heck chia sẻ rằng bản thân cảm thấy nhiệm vụ được giao là trái với lương tâm của mình. “Trong thư, anh ấy viết rằng mình không cảm thấy cắn rứt gì khi lái máy bay vận tải. Nhưng khi cấp trên có lệnh cho chuyển sang lái máy bay B-52, thái độ của anh thay đổi hoàn toàn. Anh ấy nói việc mình làm thật điên rồ, ngu ngốc”, tờ New York Times dẫn lời Tim Heck, em trai ông kể lại.

Sau khi trở về Mỹ, ngày 17-2-1973, Michael J.Heck trả lời báo giới rằng: “Tôi chắc chắn hơn bao giờ hết về quyết định của mình. Đáng ra tôi nên làm điều đó sớm hơn. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy thực sự hạnh phúc, bởi vì tôi đã đưa ra lựa chọn đúng đắn”.

ĐĂNG SƠN