Yonhap ngày 10-4 đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, bà Rapp-Hooper nhấn mạnh, nếu Triều Tiên muốn thảo luận với Mỹ về "những điều có thể giúp bán đảo Triều Tiên và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên an toàn hơn" thì Washington "sẵn sàng thảo luận về hàng loạt chủ đề" với Bình Nhưỡng. Tuyên bố trên được bà Rapp-Hooper đưa ra sau khi quan chức này từng đề cập đến “các bước đi tạm thời” đối với Triều Tiên hồi tháng trước.

Theo Yonhap, trong ngôn ngữ liên quan tới đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, “các bước đi tạm thời” thường chỉ các biện pháp như yêu cầu Bình Nhưỡng dừng phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Đây là lý do tại sao phát biểu về “các bước đi tạm thời” của bà Rapp-Hooper hồi tháng trước đã làm dấy lên suy đoán về khả năng Mỹ sẽ thay đổi chính sách với Triều Tiên.

"Phát biểu về “các bước đi tạm thời” có thể được hiểu theo nghĩa là kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt. Ý tưởng về "các bước đi tạm thời" là hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận chính sách lâu nay của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Chúng tôi đã gửi thông điệp cho Triều Tiên nhiều lần và chưa nhận được phản hồi nào. Thông điệp đó là, chúng tôi muốn họ quay trở lại bàn đàm phán, cho chúng tôi biết họ muốn thảo luận những vấn đề gì và chúng tôi sẽ sẵn sàng thảo luận những vấn đề đó", bà Rapp-Hooper nêu rõ.

leftcenterrightdel
Bà Mira Rapp-Hooper phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington. Ảnh: Yonhap 

Yonhap cho biết, ý tưởng về "các bước đi tạm thời" của Mỹ gây tranh cãi tại Hàn Quốc-một đồng minh lâu năm của Washington. Một số ý kiến cho rằng, ý tưởng này có thể "gây xao lãng" mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ "các bước đi tạm thời" là cần thiết nhằm "tạo động lực cho một quá trình có thể tốn nhiều thời gian" để đưa Triều Tiên quay trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden không ít lần đề xuất sẵn sàng gặp phía Triều Tiên “mọi lúc, mọi nơi mà không cần điều kiện tiên quyết” trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã rơi vào thế bế tắc từ năm 2019, dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump và tình hình trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua trở nên căng thẳng sau các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như các vụ bắn đạn pháo từ cả Triều Tiên và Hàn Quốc trong khuôn khổ các cuộc tập trận bắn đạn thật. Washington xác định, đối thoại với Bình Nhưỡng là "con đường ưu tiên nhất" nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ cũng nhiều lần thừa nhận "chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẵn sàng tham gia đối thoại". Hồi cuối năm ngoái, bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, từng bác bỏ khả năng nối lại đối thoại với Mỹ.

Bà Kim Yo Jong tuyên bố chủ quyền của một quốc gia độc lập "không bao giờ có thể là một chủ đề trong chương trình nghị sự để đàm phán"; khẳng định nước này sẽ không bao giờ "ngồi đối mặt với Mỹ vì mục đích đó". Reuters dẫn lời bà Kim Yo Jong cho rằng, Washington không đưa ra được "lý do hợp lý" cho các nỗ lực nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng trong khi vẫn duy trì "hoạt động quân sự khiêu khích" tại bán đảo Triều Tiên.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.