Chuyên gia phân tích Stefano Pozzebon đã chỉ ra điều này trong một bài báo đăng trên tờ CNN ngày hôm nay.

Trong bài báo của mình, Pozzebon đã nói rằng chuyến đi gần đây của hai quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tới Caracas, Venezuela là một dấu hiệu cho thấy cán cân địa chính trị có thể sẽ thay đổi đến mức nào sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine

Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Juan Gonzalez và Giám đốc Bộ phận Các vấn đề liên quan đến Venezuela James Story đã gặp gỡ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phu nhân hôm thứ bảy tuần trước. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ với nhà lãnh đạo Venezuela kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước đổ vỡ vào năm 2019. 

leftcenterrightdel
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu sau buổi lễ ký kết các hiệp định hợp tác song phương với Phó thủ tướng Nga Yury Borisov tại thủ đô Caracas ngày 16-2-2022. Ảnh: Reuters

Nội dung cuộc gặp tập trung vào khả năng Nhà Trắng có thể dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đã áp đặt trong những năm gần đây đối với ngành dầu mỏ Venezuela, từ đó có thêm nguồn cung để thay thế nguồn dầu nhập khẩu từ Nga.

Tổng thống Venezuela Maduro hôm 7-3 cũng thông báo ý định tăng sản lượng khai thác dầu thô của Venezuela, một động thái diễn ra trong bối cảnh nguồn dầu xuất khẩu của Nga đang giảm mạnh dưới ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước đồng minh.

Tuy nhiên, bài phân tích của Stefano Pozzebon nhận định rằng thỏa thuận giữa Venezuela và Mỹ có thể “nói dễ hơn làm”. Lý do là vì thực tế sản lượng khai thác dầu ở Venezuela đang ở mức thấp kỷ lục bởi công tác quản lý yếu kém của nước này và việc không tiến hành bảo trì các cơ sở khai thác dầu trong nhiều năm.

Chuyên gia Francisco Monaldi, Giám đốc Chương trình Năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Baker ở Houston thì nói với CNN rằng sẽ phải mất nhiều năm và hàng tỷ đô la đầu tư để phục hồi hoạt động xuất khẩu dầu từ Venezuela về trạng thái như trước đây. Vì vậy, nếu Nhà Trắng cần một giải pháp ngắn hạn để bình ổn giá nhiên liệu trong nước thì không thể “trông cậy” vào Venezuela.

Dẫu vậy, chuyến đi của hai quan chức Mỹ đến Venezuela đã mang lại những kết quả ngay lập tức. Venezuela đã trả tự do cho ít nhất hai công dân Mỹ trong ngày hôm nay như một cử chỉ thiện chí rõ ràng của Caracas với Washington sau chuyến thăm của phái đoàn Mỹ.

Theo Reuters, hai tù nhân được trả tự do là Gustavo Cardenas, Giám đốc điều hành Công ty dầu khí Citgo, và Jorge Alberto Fernández, một người Mỹ gốc Cuba.

Chuyến đi Caracas của phái đoàn Mỹ cho thấy Nhà Trắng có thể sẵn sàng thay đổi mối quan hệ với Venezuela trong dài hạn, không chỉ bởi đây là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, mà còn vì Caracas hiện đang là đồng minh thân cận nhất của Moscow ở khu vực Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, đây vẫn là một "vụ đặt cược" nhiều rủi ro bởi Tổng thống Maduro đã từng "quay xe" trong nhiều cuộc thương lượng trước đó. Vì vậy, nếu ý định này không diễn ra thuận lợi, Tổng thống Biden có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt bằng sự nghiệp chính trị của mình, ông Stefano Pozzebon kết luận.

TRUNG THÀNH (Theo CNN)