Người phát ngôn Dahnil Anzar Simanjuntak khẳng định: "Không có việc mua máy bay phản lực Mirage. Mặc dù vụ mua sắm này đã được lên kế hoạch nhưng sau đó đã bị hủy bỏ... nghĩa là không có hợp đồng nào có hiệu lực".

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, thỏa thuận mua 12 máy bay chiến đấu Mirage đã bị trì hoãn do vấn đề tài chính hạn hẹp. Thay vào đó, quân đội sẽ đề nghị nâng cấp trang thiết bị cho các máy bay chiến đấu Sukhoi và F-16 hiện có.

leftcenterrightdel

Máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 của Qatar thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự “Bình minh Odyssey” năm 2011.

Ảnh: Reuters

Kế hoạch mua máy bay Mirage đã gây tranh cãi sau khi được công bố vào năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng dòng máy bay này quá cũ. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia (diễn ra vào ngày 14-2 tới), đã bị các ứng cử viên khác chỉ trích vì thỏa thuận mua máy bay của Qatar.

Tuy nhiên, trong các cuộc tranh luận giữa những ứng cử viên Tổng thống, ông Subianto đã bảo vệ kế hoạch mua máy bay Mirage và khẳng định những tiêm kích này vẫn có thể sử dụng tốt trong vòng 15 năm nữa. Theo ông, kế hoạch mua những máy bay đã qua sử dụng có thể giúp không quân Indonesia nhanh chóng củng cố sức mạnh trong lúc chờ nhận những máy bay chiến đấu mới.

Bộ Quốc phòng Indonesia đang thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân. Nước này đã mua máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất, đặt hàng máy bay không người lái từ Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay chiến đấu, trực thăng vận tải từ các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin. Indonesia dự kiến sẽ nhận lô máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên từ Pháp vào năm 2026.

BẢO CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.