Ông Biden cho rằng bạo lực diễn ra tại Sudan là “thảm kịch” và đó là sự phản bội của một chính phủ dân sự trước người dân của mình.

“Tôi cùng những người dân yêu chuộng hòa bình ở Sudan, cũng như các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới kêu gọi các bên cần tiến tới một lệnh ngừng bắn lâu dài”, Reuters dẫn lời Tổng thống Biden.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AP, cùng ngày, Nhà Trắng đã công bố sắc lệnh hành pháp về việc áp đặt trừng phạt các phe tham chiến tại Sudan vì gây ra tình trạng bạo lực, khiến hàng trăm người thiệt mạng, đẩy Sudan rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sắc lệnh này chưa phải là lệnh trừng phạt, nhưng cho phép các trừng phạt mới có thể áp dụng.

Ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, lưu ý rằng sắc lệnh trên không phải là một lời cảnh báo đơn giản. “Tổng thống Biden đã chỉ định các cơ quan có thẩm quyền và chúng tôi sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt trong những trường hợp cần thiết”, AP dẫn tuyên bố của ông John Kirby nêu rõ. 

Trước đó, ngày 3-5, hai phe tham chiến là Quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tuyên bố họ đã đồng ý kéo dài thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan thêm 7 ngày (từ ngày 4 đến ngày 10-5) và chỉ định một đại diện của mỗi bên để tham gia đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn.

Cuộc xung đột vì tranh giành quyền lực giữa SAF và RSF bùng nổ vào ngày 15-4, cướp đi sinh mạng của hơn 550 người, làm gần 5.000 người bị thương và khiến ít nhất 334.000 người dân Sudan phải sơ tán, theo AFP dẫn số liệu từ Dự án Dữ liệu Sự kiện và Vị trí Xung đột Vũ trang (Armed Conflict Location and Event Data - ACLED).

Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, khoảng 860.000 người sẽ được sơ tán đến các quốc gia láng giềng, bao gồm: Ai Cập, Saudi Arabia, Chad, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Ethiopia.

QUỲNH OANH (tổng hợp)