Ngày 17-7, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết nước này và các đối tác quốc tế đang nỗ lực tìm "các giải pháp thay thế" sau khi Nga quyết định không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc làm trung gian, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc trong thời gian xung đột Nga - Ukraine.
Phó thủ tướng Antonio Tajani đăng trên Twitter bày tỏ quan ngại về quyết định này, cho rằng việc thiếu lương thực ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước. Ông cho biết Italy đã làm việc để tìm các giải pháp thay thế. Vấn đề sẽ được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực mà Italy sẽ phối hợp tổ chức với Liên hợp quốc tại Rome vào ngày 24-7 tới.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ hàng triệu người sẽ thiếu lương thực trong thời gian tới. Ông cho biết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để hàng nông sản và phân bón của Ukraine cùng Nga có thể tiếp cận các thị trường “mà không bị cản trở”.
 |
Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani. Ảnh: TTXVN
|
Cùng ngày, Áo đã hối thúc Nga duy trì thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ngày 17-7, Bộ Ngoại giao Áo đã đề nghị Nga gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Bộ Ngoại giao Áo nhấn mạnh đây là thỏa thuận quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Bày tỏ thất vọng, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho rằng việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát giá lương thực và tránh gây bất ổn cho thị trường.
Người phát ngôn Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết Đức tiếp tục kêu gọi Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen với Ukraine. Bà nhấn mạnh rằng thỏa thuận này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Tháng 7-2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17-7. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, phần thỏa thuận liên quan đến Nga đã không được thực hiện và ngay khi các bên còn lại tuân thủ đầy đủ các cam kết đối với Moskva, nước này sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Sputnik ngày 18-6 cho biết phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga không có lý do gì để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, hay còn có tên chính thức là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13-6 cho biết, ông đang cân nhắc khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Trong bối cảnh thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, hay còn có tên chính thức là Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, sắp hết hạn, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các bên nỗ lực để thỏa thuận này tiếp tục được thực hiện.
Theo Reuters, ngày 18-3, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được gia hạn với ít nhất 60 ngày. Nga cảnh báo bất kỳ sự gia hạn nào vượt quá thời gian này phụ thuộc vào việc phương Tây dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.
Ngày 8-3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã đến thủ đô Kiev của Ukraine với hy vọng thúc đẩy việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc (được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen) mà Ukraine và Nga đạt được hồi năm ngoái.