Al Jazeera ngày 18-10 dẫn lời các quan chức Palestine cho hay, ít nhất 500 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, nhiều nạn nhân tiếp tục được đưa ra từ đống đổ nát sau khi Bệnh viện al-Ahli ở Gaza trúng tên lửa. Bệnh viện là nơi điều trị cho hàng trăm bệnh nhân và người bị thương kể từ ngày đầu diễn ra xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Đây cũng là địa điểm trú ẩn của hàng nghìn dân thường bị mất nhà cửa sau những cuộc tấn công liên tục từ phía Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ.

leftcenterrightdel

 Người biểu tình Palestine ở khu vực Bờ Tây xuống đường sau vụ nổ ở Bệnh viện al-Ahli tại dải Gaza. Ảnh: AP

Theo Bộ Y tế Gaza, vụ nổ kinh hoàng này do một cuộc không kích của Israel gây ra. Trong khi đó, phía Israel dẫn thông tin tình báo khẳng định lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) tại Gaza đã bắn nhầm rocket vào cơ sở y tế này. Ngay lập tức, PIJ lên tiếng bác bỏ cáo buộc, đồng thời tuyên bố “Israel phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Bệnh viện al-Ahli”.  

Vụ nổ diễn ra ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel nhằm bày tỏ sự ủng hộ của Washington với quốc gia đồng minh. Theo kế hoạch, sau khi rời Israel, ông Biden sẽ tới Jordan dự hội nghị thượng đỉnh 4 bên do Quốc vương Jordan chủ trì, có sự tham dự của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Hội nghị nhằm thảo luận việc hỗ trợ nhân đạo cho Gaza và hạ nhiệt căng thẳng chiến sự Israel-Hamas. Tuy nhiên, những tín hiệu mong manh vừa ló rạng đã bị vụ nổ kinh hoàng tại Bệnh viện al-Ahli “thiêu rụi”. Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Jordan tuyên bố hủy bỏ hội nghị và sẽ chỉ tổ chức lại vào thời điểm “các bên đồng ý chấm dứt chiến tranh, chấm dứt các vụ thảm sát người dân Palestine”. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi rằng “chiến dịch quân sự của Israel đã đẩy khu vực đến bờ vực thẳm”.

Theo mô tả của Reuters, “sự giận dữ bùng phát chống lại Israel” dường như đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày 17-10, cảnh sát Jordan phải sử dụng hơi cay để giải tán hàng nghìn người biểu tình trước Đại sứ quán Israel ở Amman, yêu cầu Chính phủ Jordan đóng cửa Đại sứ quán và hủy bỏ hiệp ước hòa bình với Israel. Biểu tình cũng diễn ra ở Iraq, Tây Nam Yemen, thủ đô của Morocco và trước Đại sứ quán Israel ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon...

Phản ứng trước thông tin về vụ nổ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông “bàng hoàng trước cái chết của hàng trăm người dân vô tội” và nhấn mạnh: “Các bệnh viện và nhân viên y tế được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế... Trái tim tôi hướng về gia đình các nạn nhân”.

Al Jazeera dẫn tuyên bố của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên án mạnh mẽ vụ tấn công Bệnh viện al-Ahli, kêu gọi các nỗ lực bảo vệ dân thường, yêu cầu Israel “đảo ngược lệnh sơ tán” và “các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng kêu gọi “toàn thể nhân loại hành động để ngăn chặn sự tàn bạo chưa từng có ở Gaza”.

Trong một diễn biến khác, ngày 18-10 (giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến bỏ phiếu thông qua một nghị quyết do Brazil soạn thảo kêu gọi lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas để cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận dải Gaza, đồng thời tiến hành thảo luận về vụ nổ ở Bệnh viện al-Ahli theo yêu cầu của Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Chưa rõ bên nào phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người dân vô tội trong vụ tấn công Bệnh viện al-Ahli ở Gaza, song rõ ràng, vụ nổ đã làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ “lò lửa” Trung Đông lan rộng ở phạm vi lớn hơn.

Ngày 18-10, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu. Chúng tôi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thúc đẩy đối thoại và hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại vùng xảy ra xung đột, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

ĐOÀN CA

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.