Tuy nhiên, kết quả chính thức cũng như thông tin cuối cùng về tỷ lệ cử tri đi bầu cử sẽ chỉ được Cơ quan Thống kê Séc (CSU) công bố sau khi toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) kết thúc tiến trình bỏ phiếu vào tối 9-6.

leftcenterrightdel

 Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp. 

CSU thông báo cơ quan này nhận được dữ liệu từ khu vực bầu cử cuối cùng vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 8-6. Ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 14 giờ, CSU nhận được số liệu đầu tiên vào lúc 14 giờ 22 phút từ đơn vị bầu cử Nestemice thuộc khu vực Usti. Theo quy định, CSU sẽ chỉ công bố toàn bộ kết quả bỏ phiếu sau 23 giờ ngày 9-6 theo giờ địa phương (4 giờ sáng 10-6 giờ Hà Nội). Cùng ngày, Bộ Nội vụ Séc thông báo cuộc bầu cử EP ở CH Séc đã diễn ra an toàn, không có sự cố có thể gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Tham gia tranh cử EP tại CH Séc năm nay có 30 đảng và liên minh với 674 ứng cử viên, chạy đua giành 21 ghế nghị sĩ châu Âu. Đài truyền hình Séc (CT) cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại CH Séc năm nay cao hơn so với cuộc bầu cử cách đây 5 năm vốn chỉ đạt gần 29%. Tại nhiều khu vực bầu cử ở thủ đô Praha, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt gần 40%.

Trong EP nhiệm kỳ 2019-2024, phong trào đối lập ANO có nhiều đại diện nhất với 6 nghị sĩ, ODS đứng thứ 2 với 4 nghị sĩ, tiếp theo là đảng Cướp biển và STAN với 3 nghị sĩ mỗi đảng, SPD và KDU-CSL cùng có 2 nghị sĩ trong khi Đảng Cộng sản Séc-Morava (KSCM) có 1 nghị sĩ.

*Trước đó, chiều 8-6, cử tri Italy bắt đầu bỏ phiếu để bầu ra 76 ghế trong EC mới, cùng các cuộc bầu cử địa phương tại hơn 3.700 đô thị và vùng Piedmont. Các điểm bỏ phiếu trên khắp Italy mở cửa từ 15 giờ ngày 8-6, với tổng cộng 12 đảng tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Thủ tướng Giorgia Meloni và đảng Anh em Italy (FdI) cánh hữu của bà đang trên đường giành chiến thắng lớn, tiếp tục bỏ xa các đối tác trong liên minh cầm quyền như đảng Liên đoàn (Lega) chống người di cư và đảng Forza Italia (FI) trung hữu.

Thủ tướng Meloni duy trì được tỷ lệ ủng hộ ổn định kể từ khi trở thành Thủ tướng vào tháng 10-2022, một phần nhờ phe đối lập trung dung và cánh tả bị chia rẽ, cũng như sự sụt giảm ủng hộ đối với 2 đảng còn lại trong liên minh cầm quyền.   

Kết quả cuộc thăm dò lớn mới nhất của Euronews, được công bố ngày 5-6, cho thấy FdI có khả năng giành được 27,2% số phiếu bầu, gấp hơn 3 lần so với con số 9,1% của Lega và 8,1% của FI. Đứng thứ 2 là đảng Dân chủ trung tả (PD) đối lập với 20,6%, thứ 3 là Phong trào năm sao (M5S) với 15,7%, trong khi tỷ lệ ủng hộ các đảng còn lại đều dưới 4,5%.

Thủ tướng Meloni, người đứng đầu Nhóm bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR), đích thân lãnh đạo chiến dịch tranh cử của đảng mình với mục tiêu đạt được tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao để giành được càng nhiều ghế càng tốt và tác động đến việc hình thành các liên minh trong Nghị viện châu Âu tương lai.

Tuy nhiên, trước khi có thể trở thành một người môi giới quyền lực tại EU, Thủ tướng Meloni cần phải vượt qua hai trở ngại ở trong nước. Một là Phó thủ tướng Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Lega thuộc Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) của nhà lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen, với cương lĩnh tranh cử thiên hữu hơn. Hai là khả năng cánh tả được củng cố.

Cử tri Italy có thể bỏ phiếu cho đến tận 23 giờ ngày 9-6, khi cuộc bầu cử tại những nơi khác ở châu Âu đã kết thúc. Các kết quả sơ bộ sẽ được công bố sau đó.

Tin, ảnh: TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.