Theo Reuters, khoảng 370 triệu cử tri từ 27 quốc gia EU sẽ bỏ phiếu bầu chọn các thành viên của EP nhiệm kỳ mới. Cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào các thời điểm khác nhau tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Hà Lan bắt đầu bỏ phiếu vào ngày 6-6, tiếp theo là Ireland và Cộng hòa Séc ngày 7-6. Italy, Latvia, Malta và Slovakia bắt đầu bỏ phiếu vào ngày 8-6, trong khi các quốc gia thành viên EU còn lại sẽ bỏ phiếu vào ngày 9-6. Các cử tri sẽ bầu ra 720 thành viên của EP và số ghế được phân bổ theo quy mô dân số của mỗi quốc gia, trong đó Đức có nhiều ghế nhất (96 ghế), tiếp theo là Pháp (81), Italy (76) và Tây Ban Nha (61).

Đây là cuộc bầu cử nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau Brexit năm 2020. Theo kết quả thăm dò dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm tới cuộc bầu cử lần này. Tỷ lệ đi bầu có thể lên tới 70%, so với 60% ở lần bầu cử trước.

leftcenterrightdel
Chính trị gia Geert Wilders, lãnh đạo Đảng Vì tự do (PVV) theo đường lối cực hữu của Hà Lan, đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở The Hague, ngày 6-6. Ảnh: AP 

Cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), Đảng Đổi mới châu Âu (RE)... Sau khi được bầu, các đại biểu sẽ chọn trở thành thành viên của các nhóm chính trị xuyên quốc gia này.

Các cuộc thăm dò trước thềm bỏ phiếu cho thấy nhóm EPP và S&D sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử lần này và bà Ursula von der Leyen có thể vẫn giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Tuy nhiên, điều này sẽ cần sự tán thành của đa số tuyệt đối các thành viên của Nghị viện khóa mới.

Trong khi đó, sự trỗi dậy của phe cực hữu tiếp tục là mối lo ngại lớn nhất đối với cuộc bầu cử quan trọng này. Theo các nhà phân tích, đây là một yếu tố có thể làm lung lay khối thống nhất của ngôi nhà chung châu Âu. Trong bối cảnh kinh tế-xã hội ngày càng khó khăn, các đảng cầm quyền tại nhiều nước châu Âu không đưa ra được các quyết sách thuận lòng dân, phe cực hữu và dân túy đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng vươn lên trở thành một lực lượng chính trị có tiếng nói hơn. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Europe Elects, nhóm Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), theo chủ nghĩa chủ quyền và hoài nghi châu Âu, sẽ giành được 75 ghế. Tương tự, nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) cũng được dự báo sẽ nâng tổng số ghế có được sau bầu cử lên 68 ghế.

Hiện EU đang đứng trước những thách thức chưa từng có về cả an ninh, kinh tế, xã hội... Trong đó hai vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm nhất là lạm phát và nhập cư. Tâm trạng bất an của đông đảo cử tri có thể chi phối các lá phiếu và mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống chính trị ở châu Âu sau cuộc bầu cử EP năm nay.

Dẫu vậy, cần khẳng định rằng để châu Âu phát triển mạnh, các quốc gia thành viên EU phải cùng nhau hành động. Trong bối cảnh đó chỉ có sự thống nhất mới có thể giúp EU tìm thấy sức mạnh cần thiết để bảo tồn, củng cố và phát huy ảnh hưởng trên toàn cầu. Việc lựa chọn những ứng cử viên xứng đáng, củng cố đoàn kết trong EU, chính là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với tương lai của khối trong giai đoạn 5 năm tới.

NGỌC HÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.