Yonhap ngày 8-8 đưa tin, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn này, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi không có mốc thời gian cụ thể. Điều quan trọng là chúng tôi cần tiến hành thảo luận 3 bên".

Lãnh đạo Australia, Anh và Mỹ phát biểu về quan hệ đối tác AUKUS hồi tháng 3-2023. Ảnh: Yonhap

Thông tin được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và New Zealand được xem là đối tác tiềm năng để hợp tác trong các dự án trong khuôn khổ trụ cột 2 của AUKUS. Theo Yonhap, hồi tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước thành viên AUKUS tuyên bố việc thu hút các đối tác "cùng chí hướng" tham gia trụ cột 2 sẽ "củng cố nỗ lực của họ theo đuổi mục tiêu chung là các năng lực tiên tiến để đóng góp vào ổn định trong khu vực".

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, AUKUS được chia thành hai trụ cột. Trụ cột 1 là trọng tâm của AUKUS với mục tiêu cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trước Australia, Anh là quốc gia đồng minh duy nhất được Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân nhạy cảm theo hiệp định phòng thủ chung ký kết năm 1958. CSIS nhấn mạnh, trong khi trụ cột 1 "mang tính lịch sử" thì trụ cột 2 của AUKUS hứa hẹn "mang tính cách mạng" với mục tiêu là "tăng cường các tiềm lực chung cũng như khả năng hiệp đồng". Trụ cột 2 của AUKUS liên quan tới 8 lĩnh vực, gồm: Các năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực mạng tân tiến, các năng lực siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin.

"Những lĩnh vực nói trên có thể làm thay đổi cuộc chơi, bảo đảm lợi thế về kinh tế và quân sự trong tương lai của các quốc gia thành viên AUKUS, làm thay đổi bản chất của cuộc cạnh tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu", CSIS đánh giá.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.