Áp dụng công nghệ số để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu

Brunei đề xuất thông qua nghị quyết “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Khi xem xét dự thảo nghị quyết này tại cuộc họp của Ủy ban Xã hội, các đoàn đại biểu nghị viện thành viên AIPA nhận định, ASEAN là khu vực kinh tế năng động, nhưng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến cuộc sống, sinh kế của người dân khu vực ASEAN. Do vậy, các nước trong khu vực cần tăng cường nguồn lực, hợp tác để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các nước cần tăng cường hợp tác áp dụng công nghệ kỹ thuật số để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, nghị viện các nước thành viên cần có công cụ hữu hiệu về chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
 Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh (thứ hai từ phải sang) và các đại biểu Việt Nam dự cuộc họp của Ủy ban Xã hội AIPA.

Thảo luận về dự thảo nghị quyết này, thay mặt đoàn Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh quan điểm ủng hộ dự thảo nghị quyết. Là một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực tham gia các thỏa thuận quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn Việt Nam đề nghị nghị viện các nước tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào chương trình nghị sự toàn cầu, nhất là AIPA, để có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực và nhân loại, đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trở lại ưu tiên trong Chương trình nghị sự toàn cầu gắn liền với an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ phục vụ bầu cử

Malaysia đề xuất dự thảo nghị quyết về vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn. Ủng hộ dự thảo nghị quyết theo đề xuất của Malaysia, đoàn Việt Nam cho rằng Ủy ban Xã hội AIPA có thể thảo luận thêm nhiều hơn về dự thảo nghị quyết này. Nhân dịp này, đoàn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việt Nam đã áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ vận động bầu cử và tổ chức bầu cử.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Việt Nam.

Sau khi xem xét, do còn có ý kiến khác nhau từ các nước thành viên, Ủy ban Xã hội nhất trí để dự thảo nghị quyết này lại để bàn thảo tại Đại hội đồng AIPA lần sau.

Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động

Dự thảo nghị quyết thứ ba được Ủy ban Xã hội xem xét là “Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia”, do Maylaysia đề xuất. Thuyết minh về dự thảo nghị quyết này, đoàn Malaysia cho rằng, tác động của đại dịch lên cuộc sống và sinh kế rất lớn. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì tác động của Covid-19 lên tình trạng nghèo đói cũng rất tiêu cực. Malaysia đề xuất dự thảo nghị quyết để bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững để các mục tiêu này được triển khai có hiệu quả hơn ở mỗi quốc gia.

Khẳng định quan điểm ủng hộ dự thảo nghị quyết, đoàn Việt Nam đề nghị bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể là Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 thông qua, Bộ Công cụ tự đánh giá vai trò của các Nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực trong sản xuất vaccine phòng chống dịch bệnh góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG