Trong một bài viết mới đây, trang mạng Defense News cho biết, con số 1.470 nói trên “gần với” mục tiêu của không quân Mỹ đến năm 2024 là cho “ra lò” 1.500 phi công quân sự mới mỗi năm. Trung tướng Brian Robinson, người phụ trách mảng giáo dục và đào tạo của không quân Mỹ cho biết lực lượng này “đang nỗ lực hết sức dựa trên những gì có trong tay” và việc cho “ra lò” khoảng 1.470 phi công quân sự mới trong năm 2023 “sẽ là một thách thức”.
Theo Defense News, trong vài năm qua, không quân Mỹ đã và đang tìm cách hiện đại hóa chương trình đào tạo với hy vọng vừa đẩy nhanh tiến độ cho “ra lò”, vừa giúp các phi công quân sự mới “giữ lại nhiều kiến thức hơn”. Thế nhưng, Trung tướng Robinson thừa nhận bản thân ông không khỏi quan ngại.
 |
Một học viên phi công quân sự Mỹ tập luyện với thiết bị bay mô phỏng thực tế ảo, tháng 3-2021. Ảnh: Air Force Times |
“Trong trường hợp một cuộc khủng hoảng đòi hỏi các cơ sở đào tạo phi công quân sự của không quân Mỹ phải làm việc 6-7 ngày/tuần, thế thì đành phải chấp nhận. Bình thường điều này là không thể thực hiện, ngoại trừ khi xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với một cường quốc khác khiến Washington cần gấp thêm phi công quân sự”, Defense News dẫn lời Trung tướng Robinson.
Trong khi đó, nhiều giáo viên hướng dẫn bay của không quân Mỹ cho biết họ đang phải vật lộn với khối lượng công việc “khủng khiếp” và không ít người chuyển hướng sang các hãng hàng không thương mại hoặc các công ty tư nhân.
Theo tờ Business Insider, tình trạng thiếu hụt phi công quân sự không phải là “mới hay riêng biệt” của không quân Mỹ. Một báo cáo hồi năm 2019 của Lầu Năm Góc thừa nhận các lực lượng của quân đội Mỹ đều phải đối mặt với tình trạng này. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ, tình trạng thiếu hụt phi công quân sự của không quân Mỹ là “vấn đề đặc biệt nghiêm trọng”, nhất là các phi công lái máy bay tiêm kích.
Tờ Business Insider cho biết có nhiều nguyên nhân khiến không quân Mỹ thiếu hụt phi công quân sự, trong đó phải kể đến quá trình đào tạo “vô cùng tốn kém thời gian, đắt đỏ và khó khăn”. Có thể mất tới 5 năm và từ 3 đến 11 triệu USD để đào tạo thì mới có một phi công lái máy bay tiêm kích “sẵn sàng thực thi nhiệm vụ”. Thời gian và chi phí đào tạo phi công quân sự “chỉ có tăng thêm” khi các loại máy bay trở nên hiện đại hơn.
Trong khi đó, các tiêu chí tuyển chọn của không quân Mỹ, ví dụ như yêu cầu về số giờ bay, gần như không thay đổi kể từ thập niên 1970 và điều này làm hạn chế số lượng các ứng viên tiềm năng. Ngoài ra, không quân Mỹ phải chật vật tìm cách giữ chân những phi công dày dạn kinh nghiệm-vốn có thể nhận được mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn từ các hãng hàng không thương mại. Việc thay thế một phi công dày dạn kinh nghiệm lại có thể mất tới 8 năm.
Trong gần một thập niên qua, không quân Mỹ phải chật vật tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa số lượng phi công quân sự mà lực lượng này có với số lượng mà họ mong muốn. Theo tờ Business Insider, không quân Mỹ thiếu khoảng 2.100 phi công quân sự trong năm 2019, 1.925 trong năm 2020 và 1.650 trong năm 2021. Mục tiêu của không quân Mỹ về việc cho “ra lò” 1.500 phi công quân sự mới mỗi năm đã không đạt được khi số lượng học viên đủ điều kiện tốt nghiệp trên thực tế trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 1.263 và 1.381.
Hồi tháng 3 năm nay, trang mạng Federal News Network dẫn lời Thiếu tướng Albert Miller, Phó tham mưu trưởng không quân Mỹ thừa nhận, cho dù tình trạng thiếu hụt phi công quân sự đã có “bước cải thiện” nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và không quân Mỹ có thể “mất 20 năm hoặc nhiều hơn” mới giải quyết triệt để được tình trạng này.
“Thực tế cho thấy các mục tiêu đào tạo phi công hằng năm của không quân Mỹ thường khó đạt được và giải pháp lâu dài cho việc giữ chân các phi công dày dạn kinh nghiệm cũng vậy. Tình trạng thiếu hụt cũng đồng nghĩa các phi công hiện có của không quân Mỹ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn, có những chuyến bay dài hơn thay vì có thời gian để nghỉ ngơi hay huấn luyện. 1.470 phi công quân sự mới trong năm 2023 vẫn là một mục tiêu khó thành trong bối cảnh thiếu hụt lâu nay”, Defense News nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ