Mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) cảnh báo châu Âu còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nếu không khối Schengen sẽ sụp đổ. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với châu Âu nhằm cứu vãn Hiệp ước Schengen, một trong những nguyên tắc quan trọng của “lục địa già” kể từ khi Hiệp ước này có hiệu lực cách đây hơn 20 năm.
Tự do đi lại-Nguyên tắc quan trọng trong EU
Ý tưởng thành lập khu vực tự do đi lại trong châu Âu được đưa ra kể từ thập niên 1950. Song ý tưởng này chỉ biến thành hiện thực vào năm 1985, khi một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) bao gồm: Pháp, Đức, Bỉ, Lúc-xăm-bua, và Hà Lan, cùng gặp gỡ tại một ngôi làng ở Lúc-xăm-bua có tên là Schengen để ký một thỏa thuận nhằm loại bỏ mọi hình thức kiểm soát biên giới nội khối.
Người di cư ở nhà ga Pa-xô, phía nam nước Đức. Ảnh: Lefigaro.fr.
“Hiệp ước Schengen”, bắt đầu có hiệu lực từ năm 1995, cho phép miễn thị thực xuất nhập cảnh đối với công dân của 26 nước châu Âu, bao gồm 22 nước thành viên EU cùng với Na Uy, Thụy Sĩ, Ai-xơ-len và Lích-ten-xtên. Công dân thuộc danh sách nói trên hoặc người có thị thực Schengen được cấp tại bất kỳ nước nào trong số 26 quốc gia nêu trên đều được đi lại tự do trong khu vực này.
Kể từ khi ra đời, Hiệp ước Schengen không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị, mà nó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với kinh tế châu Âu. Hiệp ước Schengen đã giúp các nước thành viên hình thành nên những mối quan hệ đối tác thương mại gần gũi hơn, thúc đẩy mạnh mẽ cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu và thu hút khách du lịch.
“Bão” di cư làm Schengen mất dần hiệu lực
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai xuất hiện từ đầu năm 2015 đang có nguy cơ làm sụp đổ Hiệp ước Shengen. Theo thống kê, trong năm 2015, EU đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn và di cư. Tuy nhiên, nỗ lực trên của châu Âu không được đền đáp. Ngược lại, nó lại khiến tình hình an ninh ở “lục địa già” trở nên bất ổn hơn. Tình trạng trộm cắp, cướp giật, sử dụng ma túy gia tăng trong những tháng gần đây. Điển hình là vụ một số người tị nạn tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua ở thành phố Cô-lô-nhơ, miền Tây nước Đức.
Trong bối cảnh trên, nhiều nước đã quyết định có những biện pháp kiểm soát biên giới. Theo đó, từ ngày 20-1, quân đội Áo bắt đầu tiến hành việc nhận dạng và kiểm tra hành lý của tất cả người di cư tới khu vực cửa khẩu chính giữa Áo và Xlô-vê-ni-a. Trước đó, ngày 4-1, cảnh sát Đan Mạch đã dựng các trạm kiểm soát người qua lại biên giới với Đức. Thụy Điển cũng áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh mới, yêu cầu những du khách từ Đan Mạch nhập cảnh vào Thụy Điển phải trình thẻ căn cước có ảnh, chính thức khép lại chính sách mở cửa đối với người di cư sau khi tiếp nhận khoảng 160.000 người hồi năm ngoái. Việc tái kiểm soát biên giới giữa Thụy Điển và Đan Mạch cũng đồng nghĩa với việc người dân qua lại giữa hai quốc gia Bắc Âu này sẽ lần đầu tiên phải trình hộ chiếu trong hơn 50 năm qua.
Những thực tế trên cho thấy, Hiệp ước Schengen, vốn xóa nhòa biên giới cho người dân đi lại giữa các nước thành viên, đang dần mất hiệu lực. Các nước, trong đó có Đức, đã bày tỏ sự lo ngại. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Mác-tin Sa-ê-phơ (Martin Schaefer) nhấn mạnh, “tự do đi lại là một nguyên tắc quan trọng” và là một trong những “thành tựu” lớn nhất của EU. Do đó, các quyết định của Áo, Thụy Điển và Đan Mạch đang khiến nguyên tắc cơ bản của EU về tự do đi lại, mà hiện thân là khu vực miễn thị thực Shengen, đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại.
Giới phân tích nhận định, nếu Hiệp ước Schengen bị xóa bỏ, chỉ tính riêng chi phí chờ đợi ở các biên giới cũng khiến EU mất 3 tỷ ơ-rô mỗi năm. Ngoài ra, nó còn tác động mạnh đến giá trị giao thương hàng hóa trị giá 2.800 tỷ ơ-rô mỗi năm giữa 28 nước thành viên EU. Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) cho rằng, đường biên giới mở khu vực đồng ơ-rô chính là điều kiện để khu vực tiền tệ chung có thể vận hành. Bà nhận định, "đồng ơ-rô và sự tự do qua lại biên giới phụ thuộc trực tiếp đến nhau". Nếu các nước đóng cửa, thị trường nội khối sẽ bị lâm nguy. Đây chính là lý do khiến Đức, nền kinh tế quốc dân lớn nhất EU, phải đấu tranh vì sự tự do đi lại của người dân khu vực Schengen.
BÌNH NGUYÊN