Bệnh viện Saint Joseph's không còn một chỗ trống. Các nhân viên y tế phải gọi tới các bệnh viện khác ở thủ đô Berlin và bang lân cận Brandenburg trong nỗ lực tìm giường cho cậu bé mới 13 ngày tuổi. Cuối cùng, sau một đêm phải ở khoa cấp cứu, hai mẹ con đã có thể ở lại để các bác sĩ điều trị. Bé Andreas đang chiến đấu với bệnh viêm phế quản, trong bối cảnh nước Đức phải đối mặt với bệnh nhiễm trùng phổi ở trẻ sơ sinh vào mùa đông, càng đẩy các bệnh viện vốn đã quá tải phải chịu thêm nhiều áp lực. 

Một cuộc khảo sát trước đó cho biết cả nước Đức chỉ còn trống chưa đầy 100 giường cho bệnh nhi. Nhiều trẻ em bị bệnh thậm chí phải dùng trực thăng đưa đến các vùng xa hơn mới có giường điều trị, chẳng hạn như bang Mecklenburg-Tây Pomerania ở phía Đông Bắc và bang ven biển Lower Saxony. Hiện tại, có 18.000 giường bệnh cho trẻ em ở Đức, giảm so với 25.000 giường vào năm 1995, theo cơ quan thống kê liên bang. 

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi ở Martinsburg, Tây Virginia, Mỹ, tháng 3-2021. Ảnh: Reuters

Tình cảnh của mẹ con cậu bé Andreas mà hãng AFP chia sẻ đã phản ánh thực trạng hệ thống y tế bị quá tải ở một số quốc gia châu Âu vì dịch chồng dịch. Theo dự báo của các chuyên gia, khả năng mùa đông này châu Âu sẽ phải đối mặt với làn sóng kép dịch bệnh hô hấp mùa đông và các biến thể phụ của Covid-19. Châu Âu đang đối mặt với nhiều dịch bệnh liên quan tới hô hấp, như: Covid-19, cúm mùa, viêm phổi, mới nhất là viêm họng liên cầu khuẩn. Bác sĩ Stefan Arens-Bệnh viện Nhi đồng Auf der Buelt (Đức) cho biết, tình trạng này cũng xảy ra ở cả Pháp và Thụy Sĩ khiến việc điều trị càng quá tải. 

 Đài France24 của Pháp đăng tải bài viết cùng phóng sự hình ảnh với nhan đề “Covid-19, cúm và viêm phổi do virus hợp bào hô hấp RSV: Nước Pháp đối mặt với dịch chồng dịch chưa từng có”. Chính phủ Pháp kêu gọi những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và người cao tuổi đi tiêm vaccine phòng cúm và phòng Covid-19 trước các dịp lễ cuối năm; đồng thời khuyến khích áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là việc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. 

Các bác sĩ chăm sóc tích cực ở Đức cũng cho biết tình trạng quá tải ở các bệnh viện khiến họ gặp khó khăn trong việc chỉ định giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân, đã có trường hợp bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Theo bác sĩ Beatrix Schmidt, Trưởng khoa Nhi và Sơ sinh của Bệnh viện Saint Joseph's, “một số lượng đáng kinh ngạc trẻ em bị bệnh, người chăm sóc bị nhiễm bệnh và tất cả những điều đó xảy ra cùng lúc với tình trạng thiếu nhân viên kinh niên”.

Trong nỗ lực ứng phó, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết Chính phủ đang nới lỏng một số quy định để giúp các y tá có thể được chuyển tới các khoa nhi dễ dàng hơn, đồng thời cung cấp thêm 600 triệu euro cho các bệnh viện nhi trong hai năm tới. Ủy ban châu Âu tháng 11 vừa qua cũng đã cấp phép loại thuốc một liều đầu tiên trên thế giới chống lại virus hợp bào hô hấp RSV. 

Bác sĩ Beatrix Schmidt cho biết, do Đức có dân số già và ít trẻ em hơn so với nhiều nước láng giềng châu Âu nên hạn chế đầu tư vào chăm sóc y tế trẻ em. Bác sĩ Beatrix Schmidt tin rằng nhiều vấn đề là do cắt giảm chi phí dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Nhiều người không thể trụ được với nghề do lương thấp trong khi cường độ làm việc lớn. Họ phải làm việc cả vào ban đêm và cuối tuần. 

Tại Đức, giới chuyên gia cho rằng những cải cách trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm giảm chi phí trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát leo thang, đã gây tổn hại cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, trong khi ngành y tế đang phải vật lộn để thu hút những người mới tham gia và nhiều bác sĩ nhi khoa sẽ nghỉ hưu trong những năm tới. 

Hiệp hội Bệnh viện (DKG) Đức mới đây đưa ra cảnh báo rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nước này đang phải đối mặt với nguy cơ hoạt động cầm chừng do có thể rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả trong năm 2023. Cuộc khảo sát hằng năm cho thấy chỉ có 6% bệnh viện ở quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu này được đánh giá có tình hình tài chính tốt, trong khi hơn 50% cho rằng hoạt động của bệnh viện sẽ tệ hơn nhiều trong năm 2023. DKG trước đó ước tính cần hỗ trợ khoảng 15 tỷ euro trong giai đoạn 2022-2023 để tránh cho các bệnh viện rơi vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã bác bỏ thống kê này vì không thể tính trước giá điện của năm 2023. 

Như vậy, không chỉ ở giai đoạn đỉnh cao của dịch Covid-19, hệ thống y tế ở châu Âu, kể cả ở những nước phát triển hàng đầu như Đức, mới phải trải qua tình cảnh nan giải. Hiện nay, hệ thống y tế quá tải là vấn đề nhức nhối của lục địa già. Thực trạng y tế cận kề khủng hoảng của châu Âu cũng chính là bài học cho các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh mối đe dọa dịch bệnh không chừa bất kỳ nước nào.

MAI NGUYÊN