Đây là “một gói thỏa thuận chưa từng có”, có thể đem lại sự khác biệt cho đời sống của nhiều người trên thế giới.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, MC12 đã đạt được một gói thỏa thuận lịch sử sau khi 164 thành viên của cơ quan thương mại toàn cầu thông qua các thỏa thuận vào lúc 5 giờ, giờ Geneva (tức 10 giờ, giờ Hà Nội) ngày 17-6, tại trụ sở của tổ chức ở Geneva. Bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh: “Lâu lắm rồi WTO mới chứng kiến một số lượng kết quả các thỏa thuận đa phương đáng kể như vậy".
 |
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (giữa) trong cuộc họp tại trụ sở WTO ở Thụy Sĩ ngày 17-6.Ảnh: Shutterstock |
Hội nghị MC12 với sự tham gia của hơn 100 bộ trưởng thương mại, là hội nghị đầu tiên của WTO trong 4 năm qua và được xem là “phép thử” cho khả năng đạt thỏa thuận thương mại đa phương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tăng cao. Hội nghị diễn ra từ ngày 12 đến 15-6, sau đó được kéo dài thêm hai ngày nhằm giúp đại diện các nước thành viên WTO có thêm thời gian đàm phán về nhiều vấn đề như: Miễn áp dụng TRIPS (các yếu tố liên quan đến thương mại trong quyền sở hữu trí tuệ) đối với vaccine ngừa Covid-19, ứng phó với đại dịch, trợ cấp thủy sản, nông nghiệp, an ninh lương thực, cũng như vấn đề cải cách WTO và các chính sách ưu tiên của tổ chức này trong tương lai. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là đàm phán thỏa thuận về đánh bắt cá.
Tổng giám đốc Iweala cho biết, mỗi năm, các nước trên thế giới chi khoảng 35,4 tỷ USD để trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá. Điều này đã đe dọa những nguồn dự trữ cá tự nhiên và ngành ngư nghiệp. Hầu hết các chính phủ đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá trên biển vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về vấn đề trợ cấp sao cho hợp lý, tránh tiếp tay cho hoạt động khai thác tận diệt, vẫn bế tắc trong một loạt vấn đề, trong đó có đề nghị áp dụng một số quy chế miễn trừ đặc biệt đối với các quốc gia nghèo nhất và các quốc gia đang phát triển. Tại hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Shri Piyush Goyal đề xuất quá trình chuyển tiếp 25 năm để bảo đảm cho phát triển bền vững và tương lai của những ngư dân thu nhập thấp tại quốc gia này.
Lo ngại hội nghị MC12 khép lại trong bế tắc, sáng 17-6, Tổng giám đốc Iweala đã công bố với các quốc gia thành viên một loạt dự thảo thỏa thuận thương mại, trong đó có các cam kết về y tế, cải cách và an ninh lương thực, đồng thời kêu gọi các nước đồng thuận về gói thỏa thuận thương mại “chưa từng có” này. Bà Iweala nhấn mạnh các quốc gia thành viên cần tính đến “sự cân bằng mong manh” đã đạt được sau 5 ngày họp. “Bản chất thỏa hiệp là không ai có mọi thứ mình muốn. Chúng ta hãy hoàn thành công việc của mình trong hôm nay”, bà Iweala nói.
Theo AFP, thỏa thuận về đánh cá là thỏa thuận cuối cùng mà các bên đạt được trong cuộc “chạy đua với thời gian” tại hội nghị MC12 lần này. Ngoài thỏa thuận về đánh bắt cá, các nước thành viên WTO đã nhất trí một biện pháp nhằm tăng cường nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển. Theo báo Wall Street Journal, biện pháp này giúp kết thúc cuộc chiến gay gắt về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ của các công ty đối với những sản phẩm y tế quan trọng trong suốt đại dịch. “Gói thỏa thuận vừa đạt được sẽ tạo ra sự khác biệt cho đời sống của mọi người trên thế giới. Kết quả trên cho thấy WTO trên thực tế hoàn toàn có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong thời đại của chúng ta”, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh.
Giới phân tích nhận định, gói thỏa thuận trên là chiến thắng quan trọng đối với Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala-nhà lãnh đạo nữ châu Phi đầu tiên của tổ chức này.
PHƯƠNG VŨ