Ngày 12-8, TASS dẫn tuyên bố của đại diện Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước (Rosatom) của Nga cho biết, một tháp làm mát tại ZNPP đã bị hư hại nghiêm trọng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). “Hai cuộc tấn công trực tiếp bằng UAV của quân đội Ukraine tối 11-8 đã gây ra hỏa hoạn nghiêm trọng tại một trong hai tháp làm mát của ZNPP”, Rosatom tuyên bố, đồng thời xác nhận các đơn vị ứng phó khẩn cấp tại hiện trường đã dập tắt đám cháy sau đó vài giờ. Tuy nhiên, phần bên trong tháp đã bị hư hại nghiêm trọng và các chuyên gia Nga sẽ đánh giá nguy cơ sụp đổ của tháp này khi tình hình cho phép.
|
|
Khói bốc lên sau khi Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia bị UAV tấn công hôm 11-8. Ảnh: Energy World |
ZNPP tại thành phố Energodar có công suất khoảng 6GW và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, quy mô gần gấp đôi nhà máy Chernobyl của Ukraine-nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, lực lượng vũ trang Nga giành được quyền kiểm soát ZNPP. Theo truyền thông Nga, kể từ đó, các đơn vị quân đội Ukraine thường xuyên tấn công khu dân cư ở Energodar và khuôn viên ZNPP bằng pháo hạng nặng, hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) và cả UAV.
Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo, các chuyên gia IAEA chứng kiến "khói đen dày đặc bốc lên từ khu vực phía Tây Bắc của ZNPP, kèm theo nhiều tiếng nổ lớn". IAEA cũng cho hay, phía Nga xác nhận không có nguy cơ mức độ phóng xạ tăng cao vì không có vật liệu phóng xạ nào ở gần khu vực bị tấn công. Tuy nhiên, bất kỳ loại hỏa hoạn nào tại địa điểm quan trọng này hoặc ở khu vực lân cận đều có nguy cơ khiến đám cháy lan đến các cơ sở thiết yếu cho sự an toàn, đại diện IAEA nêu rõ. Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi kêu gọi cả Nga và Ukraine "kiềm chế tối đa để tránh một vụ rò rỉ hạt nhân có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về phóng xạ".
Thông báo của IAEA không đề cập đến bên chịu trách nhiệm về vụ tấn công trong khi Moscow và Kiev cáo buộc lẫn nhau về vụ việc. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Kiev “cố tình phá hủy nhà máy” và gieo rắc "khủng bố hạt nhân". Trong khi đó, Politico dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Nga đã “phóng hỏa khuôn viên ZNPP”, rằng Nga sử dụng các tháp làm mát của nhà máy “để lưu trữ thiết bị quân sự và chất nổ”.
Vụ tấn công ZNPP xảy ra ngay sau khi Ukraine phát động cuộc tấn công vào khu vực biên giới Kursk của Nga, nơi có Nhà máy điện hạt nhân Kursk (KNPP). Trước đó, Moscow đã thông báo tới IAEA rằng lực lượng vũ trang Ukraine gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đối với KNPP vì các mảnh vỡ nghi ngờ của tên lửa bị đánh chặn đã được phát hiện gần nhà máy sau một cuộc tấn công của phía Ukraine.
Kể từ sau thảm họa Chernobyl, các nước châu Âu đặc biệt quan ngại về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực. Theo nhà nghiên cứu Cui Heng của Viện quốc gia Trung Quốc về trao đổi và hợp tác tư pháp quốc tế SCO, dù Moscow luôn đề cập đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, đặc biệt là trong trường hợp lãnh thổ Nga bị tấn công, song Nga là bên nắm thế chủ động trên chiến trường nên Moscow “không có lý do gì để gây ra một thảm họa hạt nhân”.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy nguy cơ rò rỉ hạt nhân trên diện rộng đang gia tăng do những cuộc tấn công nhắm vào các nhà máy điện hạt nhân. Điều đó đòi hỏi những nỗ lực cấp bách của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế xung đột, thúc đẩy sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân trọng yếu.
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.