Theo RT, ngày 21-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dẫn lời người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa nước này và Nga dự kiến diễn ra vào ngày 23-7, tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Nga, trước đó cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố Moscow ủng hộ vòng đàm phán hòa bình mới với Ukraine, song nhấn mạnh lập trường của hai bên hiện đối lập hoàn toàn, do đó cần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để thu hẹp bất đồng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ công bố ngay khi chắc chắn về ngày diễn ra vòng đàm phán tiếp theo.
 |
Quang cảnh vòng đàm phán song phương đầu tiên giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16-5-2025. Ảnh: pism.pl
|
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định Moscow sẵn sàng đối thoại, song nhấn mạnh những điều kiện cốt lõi-bao gồm công nhận các vùng lãnh thổ Nga đã sáp nhập và yêu cầu Ukraine duy trì quy chế trung lập-đến nay vẫn không thay đổi.
Trong khi cánh cửa đàm phán tại Istanbul chưa thực sự rộng mở, một số nước châu Âu vẫn tiếp tục tiếp sức cho Ukraine thông qua viện trợ vũ khí được mua của Mỹ, khiến đàm phán có nguy cơ lâm vào bế tắc. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Denys Shmyhal cho biết kết quả của cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, còn gọi là Nhóm Ramstein, diễn ra vào ngày 21-7, do Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đồng chủ trì.
Theo đó, các quốc gia như Đức, Canada, Hà Lan, Thụy Điển và Na Uy công bố thêm các gói hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine. Đức cam kết cung cấp 5 hệ thống Patriot, hơn 200.000 viên đạn phòng không Gepard và tài trợ sản xuất thiết bị không người lái (UAV) tầm xa cho Kiev. Hà Lan dành hơn 300 triệu euro để duy trì các máy bay F-16 và UAV đánh chặn, trong khi Canada tiếp tục hỗ trợ bảo dưỡng xe tăng cho Ukraine thông qua “mô hình Đan Mạch” với khoản tài trợ 20 triệu đô la Canada nhằm hỗ trợ bảo dưỡng xe tăng Ukraine. Còn Na Uy sẽ phân bổ tổng cộng 1 tỷ euro trong năm 2025 để mua UAV, trong đó 400 triệu euro sẽ được dùng để đặt hàng từ các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine. Thụy Điển cũng đang chuẩn bị một gói viện trợ mới bao gồm các hệ thống phòng không, pháo binh và nhiều phương tiện quân sự khác.
Cuộc họp quy tụ đại diện từ 52 quốc gia và tổ chức, nhằm phối hợp các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch bán vũ khí Mỹ cho châu Âu để cung cấp cho Kiev. Một trong những kết quả đáng chú ý nhất của cuộc họp này là việc Mỹ, phối hợp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khởi xướng một cơ chế mới cho phép các quốc gia châu Âu mua vũ khí Mỹ dành riêng cho Ukraine. Các nước châu Âu đã bày tỏ sẵn sàng đồng tài trợ cho sáng kiến này và cuộc họp đã phác thảo khuôn khổ hoạt động của chương trình.
Việc Mỹ và NATO thiết lập cơ chế mới cho phép các nước châu Âu mua vũ khí Mỹ chuyển giao cho Ukraine, kết hợp với tuyên bố “tối hậu thư” 50 ngày của Tổng thống Donald Trump, càng cho thấy các nước phương Tây đang gây sức ép tổng lực cả quân sự lẫn kinh tế buộc Moscow phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), chỉ khi Ukraine nhận đủ viện trợ vũ khí hiện đại và gây ra các tổn thất đáng kể cho Nga trên chiến trường, thì mới buộc được Moscow ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng thực tế chiến trường đang chứng kiến thế giằng co dai dẳng, với các đợt tập kích UAV, tên lửa từ cả hai phía. Trong bối cảnh đó, những gói viện trợ khổng lồ dù giúp Ukraine trấn giữ các khu vực then chốt, song cũng đồng nghĩa kéo dài cuộc chiến tiêu hao, đẩy Ukraine vào thế phụ thuộc sâu hơn vào viện trợ quân sự của nước ngoài. Trong khi đó, khả năng và nguồn lực của châu Âu cung cấp vũ khí cho Ukraine không phải là vô hạn.
Trong bối cảnh ấy, vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được coi là cầu nối quan trọng. Với mối quan hệ đặc biệt với cả Kiev lẫn Moscow, Ankara có khả năng duy trì đường dây liên lạc, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin như trao đổi tù binh, bảo vệ dân thường và trẻ em-những vấn đề nhân đạo vốn là điểm khởi đầu thiết thực nhất để giữ đà đối thoại.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định, để vòng đàm phán tại Istanbul lần ba đạt được bước tiến thực chất, cần có những cam kết nhượng bộ cụ thể hơn từ cả hai bên, đặc biệt là nhất quán với cam kết không sử dụng hòa đàm như một “khoảng nghỉ” để củng cố lực lượng. Rõ ràng chỉ khi nào chiến trường ngưng tiếng súng, bàn đàm phán mới thực sự phát huy vai trò của mình.
XUÂN PHONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.